Nhận thức rõ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải (GTVT) cần phải được ưu tiên đi trước mở đường với tốc độ nhanh, bền vững, chính vì vậy từ khi tái lập tỉnh đến nay (1989-2019), ngành GTVT Quảng Ngãi luôn ưu tiên xây dựng quy hoạch phát triển GTVT trên địa bàn và nhận được sự quan tâm bố trí nguồn lực của Bộ GTVT, UBND tỉnh để đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đóng góp thiết thực vào công cuộc phát triển KT - XH của tỉnh nhà.
Theo ghi nhận của giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi – ông Hà Hoàng Việt Phương, sau 30 năm qua kể từ ngày tái lập tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông của Quảng Ngãi đã có bước nhảy vọt và đổi thay mạnh mẽ về lượng lẫn chất. Nếu như thời điểm năm 1989, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 tuyến QL chiều dài 167 km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 66,5%; 7 tuyến đường tỉnh chiều dài 179 km, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 55,8%; 967km đường huyện, tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa chỉ đạt 2,1%; 63km đường đô thị và 24km đường xã chưa được nhựa hóa, cứng hóa, mặt đường bị lầy lội vào mùa mưa gây khó khăn trong việc lưu thông, ảnh hưởng đến phát triển KT - XH địa phương thì đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 tuyến QL chiều dài 354,37 km (tăng 2,1 lần), tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 100%; 11 tuyến đường tỉnh chiều dài 417,4 km (tăng 2,2 lần), tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 100%; 276km đường đô thị (tăng 4,9 lần), tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 95,6%; 1.361 km đường huyện (tăng 1,4 lần), tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa đạt 66,8%; 1.626,7km đường xã (tăng 67 lần) đã được nhựa, hóa cứng hóa với tỷ lệ là 68,25%; ngoài ra còn phát triển các tuyến đường nội bộ, đường chuyên dùng, đường thôn khối phố, đường kênh Thạch Nham với tổng chiều dài 5.781,8km. Đến nay tổng chiều dài các tuyến đường trên địa bàn tỉnh là 9.893km, tăng hơn 7 lần so với thời điểm năm 1989; tỷ lệ nhựa hóa, cứng hóa trên các tuyến đường quan trọng như quốc lộ, đường tỉnh, đường đô thị gần 100% và 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã, tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương, đi lại của nhân dân; tạo môi trường hấp dân thu hút các nhà đầu tư, góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển KT - XH tỉnh nhà.
Đặc biệt được sự quan tâm bố trí nguồn lực của Bộ GTVT, UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhiều công trình giao thông lớn đã được đầu tư xây dựng, nhiều trục đường giao thông quan trọng có ý nghĩa liên kết vùng được hình thành trên địa bàn như: đường Sông Trường - Trà Bồng - Bình Long (nay là QL 24C, đã nối thông từ cảng Dung Quất với các tỉnh Tây Nguyên); nâng cấp, mở rộng QL 1; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Dung Quất - Trà Khúc; đường Sơn Hà - Ba Tiêu; đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi …Cùng với đó là nhiều trục đường quan trọng tạo động lực phát triển các đô thị trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh như: đường Trung tâm thị trấn Trà Xuân, đường bờ Nam sông Trà Khúc, đường Mỹ Khê - Trà Khúc, đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Công Phương, đường Hoàng Hoa Thám, cầu Cửa Đại, cầu Thạch Bích…
Trong bối cảnh ngân sách địa phương còn khó khăn, để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực Trung ương thì tỉnh Quảng Ngãi cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài, huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, trong 2 năm 2017 - 2018, UBND tỉnh đã ban hành Danh mục các dự án thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 31 dự án, trong đó có 14 dự án giao thông đường bộ.
Đến nay đã có một số dự án được thu hút đầu tư triển khai theo hình thức PPP như: Công viên Thiên Bút, Nâng cấp đường cơ động đảo Lý Sơn…Tuy nhiên hiện UBND tỉnh đã có Công văn tạm dừng việc triển khai các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao và hướng dẫn của Bộ Tài chính. “Quảng Ngãi là một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi của khu vực miền Trung, chính vì vậy trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, thuận lợi hơn nữa; đặc biệt là có cơ chế tài chính đặc thù để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT trên địa bàn nhằm thúc đẩy hơn nữa phát triển KT - XH của tỉnh trong thời gian tới” - ông Phương cho hay.
Công Luận
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI