QUẢNG NGÃI

"Bến đỗ" tin cậy của các doanh nghiệp, nhà đầu tư

11:19:09 | 24/6/2019

Sau 30 năm tái lập tỉnh (1989 – 2019), Quảng Ngãi đã có những đổi thay vượt bậc và vươn lên phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, tự tin khẳng định vị thế tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đặc biệt, Quảng Ngãi còn là "bến đỗ" đầy tin cậy của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thông thoáng, minh bạch, thân thiện…

Những “điểm sáng” đáng ghi nhận

Khi mới tái lập tỉnh, Quảng Ngãi là một tỉnh nghèo, thuần nông, xuất phát điểm thấp. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; thu nhập bình quân đầu người thấp. Toàn tỉnh chỉ có 43 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh với quy mô nhỏ và hơn 7.700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với 90% là hộ cá thể, chủ yếu sản xuất là các sản phẩm truyền thống, sản lượng nhỏ, giá trị thấp. Đến nay, đã hình thành hơn 5.096 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Có thể thấy thời điểm tái lập tỉnh Quảng Ngãi cũng là lúc Luật Đầu tư nước ngoài mới được ban hành (1987), việc tiếp cận và chủ động trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế. Bắt đầu từ năm 1995, Quảng Ngãi mới có 01 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh với quy mô nhỏ, vốn đầu tư 0,42 triệu USD. Đến năm 2006, thu hút vốn đầu tư FDI tại Quảng Ngãi có bước khởi sắc với dự án công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan Vina đầu tư vào Khu Kinh tế Dung Quất có tổng vốn đầu tư 315 triệu USD, đây được xem là bước ngoặc quan trọng trong nỗ lực thu hút các nhà đầu tư FDI đến với Quảng Ngãi, cho thấy rõ tiềm năng của tỉnh. Cùng thời gian này, tháng 11/2005, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được chính thức khởi công – nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam – với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của không chỉ Quảng Ngãi mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đến nay, đã thu hút được 63 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD, trong đó, có 31 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; giải quyết việc làm cho hơn 18.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm. Thu hút 518 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký hơn 230 ngàn tỷ đồng với nhiều lĩnh vực, ngành nghề.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, đã hình thành gần 500 dự án, nhà máy, tổ hợp sản xuất công nghiệp với quy mô, công suất lớn, giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ cao như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy sản xuất hạt nhựa Polypropylen, Nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy sản xuất thiết bị điện GE, các thiết bị điện tử… cung cấp không chỉ cho thị trường trong nước, còn xuất khẩu đi gần 20 nước tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến thực phẩm của công ty cổ phần đường Quảng Ngãi như sữa đậu nành Vinasoy, đường, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Bicafun, các sản phẩm chế biến thủy sản, may mặc, tinh bột mì, dăm gỗ, vật liệu xây dựng, giày da, sợi bông,… sản lượng ngày một tăng cao và tiêu thụ rộng rãi, phổ biến thị trường trong nước và xuất khẩu. Năm 2017, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất có tổng mức đầu tư 60.000 tỷ đồng với công suất 4,0 triệu tấn thép/năm đã được khởi công và đã cho ra những sản phẩm đầu tiên trong đầu năm 2019, đánh dấu bước tiến mới trong phát triển công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh chính sách thu hút, kêu gọi các đầu tư sản xuất, kinh doanh, Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đến việc thu hút các dự án đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp. Với việc hình thành Khu Công nghiệp – Dịch vụ - Đô thị VSIP đã khẳng định quan điểm, chủ trương, định hướng của tỉnh. Đến nay đã thu hút gần 20 dự án đầu tư thứ cấp đến từ 9 quốc gia. Các dự án FDI này không chỉ đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà mà còn góp phần quảng bá rộng rãi thương hiệu Quảng Ngãi để thu hút thêm nhiều Nhà đầu tư trên thế giới tìm đến với tỉnh nhà.

Thu hút đầu tư chú trọng chất lượng dự án

Việc thu hút được nhiều Nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện dự án và làm ăn thành công là minh chứng sống động cho thấy môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi có sức hấp dẫn rất lớn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ngãi  - bà Trần Thị Mỹ Ái cho biết có được thành công này là do những năm qua tỉnh luôn chú trọng cải thiện, gia tăng sức hút môi trường đầu tư kinh doanh; đã ban hành và triển khai áp dụng nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn tỉnh. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, động viên, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, xem thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính, rút ngắn thủ tục hành chính với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả cho Nhà đầu tư. Quảng Ngãi cũng vừa khánh thành đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công một cửa giúp các doanh nghiệp từ lúc bắt đầu đến đầu tư cho tới khi đi vào sản xuất kinh doanh có thể gặt hái thành quả nhanh nhất.

Cũng theo bà Ái, trong năm 2019 này, định hướng thu hút đầu tư của Quảng Ngãi sẽ dành sự quan tâm đến chất lượng dự án, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án và tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút, mời gọi các dự án đầu tư vào tỉnh nhà; tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư "tại chỗ" nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư. Phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng của tỉnh, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền trên cơ sở hợp tác phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng đất có hiệu quả và phát triển bền vững. Tập trung thu hút các dự án đầu tư có chất lượng, ưu tiên đối với những lĩnh vực công nghiệp, logistics, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng đô thị, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dự án sản xuất sâu các mặt hàng nông sản mang lại giá trị  thương mại cao; dự án có sự lan tỏa mạnh mẽ đối với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, các dự án an sinh xã hội, công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp ''xanh'', thân thiện với môi trường. Đặc biệt chú trọng thu hút dự án thuộc lĩnh vực sản xuất tư liệu sản xuất thay thế sản phẩm nhập khẩu nhằm tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

Đối với đầu tư trong nước, tỉnh Quảng Ngãi chú trọng xúc tiến đầu tư và hỗ trợ cho các nhà đầu tư tại chỗ để an tâm mở rộng sản xuất, tạo hiệu ứng lan tỏa thông tin để thu hút các nhà đầu tư mới; đồng thời tổ chức làm việc và tiếp xúc trực tiếp với các tập đoàn, nhà đầu tư lớn trong nước để xúc tiến, mời gọi đầu tư vào tỉnh. Đối với đầu tư nước ngoài, trong năm 2019 này tỉnh tập trung thu hút các dự án từ các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…; đồng thời đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để thu hút đầu tư từ các nước Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ…

Công Luận