Huyện Nam Đông nằm cách thành phố Huế chỉ 50 km nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội do địa hình chia cắt, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, mặt bằng trình độ chung người dân chưa cao… Từ khi tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng được đầu tư (năm 2016) đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho huyện.
Khai thác tiềm năng thế mạnh
Nam Đông có quỹ đất nông-lâm nghiệp rộng lớn với 70 nghìn ha đất rừng, trong đó có 30 nghìn ha rừng sản xuất, là nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến nông - lâm sản. Trên địa bàn cũng có nhiều loại đá vôi, đá granit, đá pirit... với trữ lượng lớn, nhất là có 500 triệu m3 đá vôi nằm vị trí thuận lợi cho việc khai thác vật liệu xây dựng và sản xuất xi măng. Huyện còn có cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều thắng cảnh như thác Phướn, thác Mơ, thác Trượt… và lưu giữ được nhiều di tích, lễ hội đặc trưng như: Nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu, di tích lịch sử căn cứ địa Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế… có thể phát triển nhiều loại hình du lịch.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện đang tập trung giải phóng mặt bằng, tạo mọi điều kiện để các dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 14B La Sơn-Nam Đông, đường 74 Nam Đông-A Lưới và nhất là tuyến cao tốc La Sơn-Túy Loan triển khai thuận lợi. Huyện cũng huy động nguồn lực tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới giao thông tại trung tâm huyện, hệ thống đường liên xã, liên thôn; các vùng sản xuất tập trung và các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn.
Trong lĩnh vực công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án về may mặc, chế biến nông-lâm sản, cơ khí nhỏ...; đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Hương Hòa và Hương Phú. Trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, cùng với đẩy mạnh thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây lúa, ngô, cao su… là việc phát triển chăn nuôi quy mô gia đình; mở rộng diện tích vườn cam, chuối, cau… từng bước hình thành các vùng chuyên canh theo hướng hàng hóa.
Chủ tịch UBND huyện Trần Quốc Phụng cho biết: Nam Đông tập trung phát triển kinh tế trên thế mạnh vốn có, tạo nền tảng bền vững, từ đó từng bước xây dựng các mô hình, hướng đi mới trong nông-lâm nghiệp và kêu gọi đầu tư bên ngoài thúc đẩy công nghiệp, du lịch và kinh tế huyện phát triển nhanh hơn.
Nỗ lực cải cách hành chính
Trong những năm qua, huyện đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và đạt được kết quả đáng kể. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được trang bị đầy đủ, hiện đại; đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Huyện cũng đã thành lập Trung tâm hành chính công, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã; đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa liên thông; tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính trên môi trường mạng… Nhờ sự nỗ lực đó, công tác CCHC của huyện được tỉnh đánh giá cao; năm 2018, chỉ số CCHC và DDCI xếp thứ 2/9 huyện, thị xã, thành phố.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 |
Nam Đông cũng đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp như: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức về vai trò của doanh nghiệp; công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường phổ biến, hướng dẫn pháp luật, đồng thời sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ vậy, trên địa bàn đã thu hút được một số dự án lớn như: Nhà máy may công nghiệp Kimsora; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi Thác Mơ (Công ty TNHH sản xuất và thương mại YESHUE); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Thác Trượt (Công ty TNHH MTV Đồng Tiến Phương);... Huyện còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải quyết nhanh các thủ tục về đất đai, vay vốn, lãi suất, đào tạo lao động và tích cực vận động các hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác thành lập doanh nghiệp. Nhờ vậy, toàn huyện hiện có 52 doanh nghiệp, 8 hợp tác xã hoạt động.
Với sự nỗ lực không ngừng, Nam Đông đã tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở để trở thành điểm đến tin cậy của nhà đầu tư.
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI