Cùng với các di tích lịch sử văn hóa giàu giá trị, huyện Trà Bồng còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh làm say đắm lòng người. Phát huy lợi thế, thời gian qua huyện chú trọng công tác quy hoạch, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng thời tích cực xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư để phát triển thế mạnh du lịch quê hương.
Điểm đến hấp dẫn khó quên
Xoay quanh những tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của Trà Bồng, Chủ tịch UBND huyện – ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết Trà Bồng có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm và được bao bọc bởi thảm tài nguyên rừng, hệ động thực vật phong phú. Rừng ở Trà Bồng có nhiều lâm, thổ sản và dược liệu quý như sa nhân, hà thủ ô, trầm hương; có nhiều gỗ quý như lim, gõ, chò... Chính sự đa dạng về sinh học này là một trong những yếu tố thu hút khách du lịch đến với Trà Bồng, tạo thuận lợi cho việc khai thác phục vụ phát triển du lịch sinh thái.
Trà Bồng còn có các đặc sản từ quế (vỏ quế, tinh dầu quế) và nhiều sản vật khác rất được du khách ưa thích như: mật ong hương quế, sâm bảy lá... Được mệnh danh là "Cao Sơn, Ngọc Quế", quế Trà Bồng có mùi hương đặc biệt, chứa lượng tinh dầu cao nên được thị trường nội địa và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng như Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Hàn Quốc... Hiện nay, tinh dầu quế và các mặt hàng mỹ nghệ được sản xuất từ vỏ quế như bình, chén, hộp đựng trà; tăm, nhang…của Trà Bồng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà còn vươn ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Bên cạnh đó, tạo hóa còn hào phóng ban tặng cho mảnh đất Trà Bồng nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thu hút du khách như: Quần thể núi Cà Đam (Trà Bùi) được ví von là "Đà Lạt của Quảng Ngãi"; Quần thể suối khoáng Thạch Bích (Trà Bình); thác Cà Đú (Trà Thủy)...Trong tương lai đây sẽ là những điểm nhấn trong phát triển du lịch của huyện nhà, là điểm du lịch lý tưởng cho du khách.
Cùng với cảnh quan thiên nhiên đầy mê hoặc, các di tích văn hóa, lịch sử có giá trị cũng góp phần làm giàu thêm nguồn tài nguyên du lịch nơi đây; nổi bật có thể kể đến: Di tích Trường Lũy; Quần thể di tích Điện Trường Bà - Đá Bà - Lăng Bạch Hổ… Trong đó Lễ hội Điện Trường Bà với nhiều nghi lễ độc đáo thờ vị thần Thiên Y A Na (thần Mẹ xứ sở), đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Đây thực sự là điểm nhấn quan trọng trong việc kết hợp du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của Trà Bồng. Ngoài ra nghệ thuật điêu khắc, dân ca, dân nhạc, dân vũ ở Trà Bồng vẫn còn lưu giữ được rất nhiều nét đặc sắc; đặc biệt là nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Kor như: nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng đối đáp, Lễ ăn mừng lúa mới, Lễ đâm trâu…Cùng với đó là những món ăn đặc sản như: cá niên, rau ranh ốc đá, thịt trâu nấu xà bần, cơm lam... khiến du khách đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên địa danh Trà Bồng.
Đẩy mạnh khai phá tiềm năng
Sở hữu tiềm năng du lịch phong phú và độc đáo, Trà Bồng có thể kết hợp phát triển đa dạng các loại hình: du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…., đưa nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách thích khám phá và trải nghiệm. Để khai thác hiệu quả mọi tiềm năng thế mạnh du lịch sẵn có, huyện Trà Bồng đã ban hành và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020; tập trung trọng tâm đưa ngành du lịch phát triển trên 3 khâu đột phá: khai thác về di tích lịch sử cách mạng; văn hóa tâm linh, văn hóa truyền thống; phát triển du lịch sinh thái. Theo đó huyện quan tâm trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa như: Điện Trường Bà, hang Đá Bà, lăng Bạch Hổ, Lễ hội điện Trường Bà Thiên Y A Na; một số lễ hội của đồng bào Cor, Trường Luỹ, các di tích lịch sử cách mạng như Trạm xá T30, di tích Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi... để tạo những sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt với các địa phương khác.
Trên cơ sở xác định khu vực núi Cà Đam sẽ là điểm nhấn trong phát triển du lịch địa phương, huyện Trà Bồng đang xúc tiến kêu gọi đầu tư hình thành Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cà Đam và các điểm du lịch sinh thái: Thạch Bích ở xã Trà Bình; Cà Đú, Hà Nang ở xã Trà Thuỷ; Trà Bói ở xã Trà Giang.. Hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo huyện, Tập đoàn FLC cũng đã đến tham quan khu sinh thái nước khoáng nóng Thạch Bích, vùng sinh thái núi Cà Đam để có hướng đầu tư khai thác tiềm năng du lịch ở Trà Bồng, mang lại kỳ vọng về một tương lai tươi sáng cho ngành "công nghiệp không khói" nơi đây.
Thêm một tin vui nữa là hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư 2 tuyến đường giao thông lên núi Cà Đam (tuyến đường nối từ thị trấn Di Lăng - Trà Trung đi thôn Quế, xã Trà Bùi; tuyến đường Tịnh Đông - huyện Sơn Tịnh đi thôn Quế). Huyện cũng đã xây dựng kế hoạch vốn trung hạn đầu tư tuyến đường Trà Tân – Cà Đam để tạo thành tuyến du lịch Trà Bình - điện Trường Bà – núi Cà Đam.
Theo chia sẻ của ông Bắc , trong bối cảnh nguồn lực địa phương còn hạn chế, thời gian tới huyện Trà Bồng đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm thu hút du khách đến với Trà Bồng. "Để chắp cánh cho du lịch Trà Bồng bay cao, vươn xa hơn nữa, huyện rất mong nhận được sự quan tâm ưu ái của tỉnh Quảng Ngãi. Mảnh đất Trà Bồng giàu tiềm năng khai phá luôn ở tâm thế sẵn sàng chào đón các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn, chào đón các nhà đầu tư cùng chung tay góp sức xây dựng thương hiệu du lịch Trà Bồng nói riêng - Quảng Ngãi nói chung trở thành điểm đến hàng đầu của du khách" – ông Bắc nhấn mạnh.
Công Luận
06-08/4/2023
Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ