Năm 2019, ngành công thương Hà Giang đề ra mục tiêu đưa giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 6.000 tỷ đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 10.500 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 550 triệu USD... ; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN. Ông Nguyễn Khắc Quyền - Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang đã chia sẻ về những giải pháp thực hiện mục tiêu này. Hà Thành - Vũ Thủy thực hiện.
Ông có thể cho biết đâu là các giải pháp hữu hiệu để thực hiện thành công mục tiêu ngành đã đề ra?
Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, ngành công thương Hà Giang tiếp tục tăng cường thực hiện cải cách TTHC, đơn giản hóa các quy trình, triển khai thực hiện các giải pháp nhằm rút ngắn thời gian và chi phí tiếp cận điện năng đối với DN và các dự án đầu tư. Phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện thành phố thường xuyên hợp rà soát, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc thuộc lĩnh vực ngành để các DN, HTX sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn, chế biến hàng hóa nông - lâm sản; triển khai hiệu quả các đề án khuyến công đã được các cấp phê duyệt.
Đồng thời, tích cực đôn đốc hướng dẫn các DN khai thác, sản xuất chế biến công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất hoàn thành kế hoạch các năm; triển khai các kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, tăng cường kết nối thị trường cung cầu trong khu vực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nhân dân. Phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với các nội dung thuộc trách nhiệm của ngành.
Ngành công thương tỉnh đã thực hiện những chính sách gì để đồng hành, hỗ trợ DN?
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ DN đạt hiệu quả, Sở Công Thương đã tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các DN thực hiện các TTHC và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tiếp nhận và trả lời các thắc mắc, câu hỏi, đề xuất kiến nghị của các DN, tập trung thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ, tạo điều kiện cho DN đầu tư phát triển theo chiều sâu, mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương. Ưu tiên hỗ trợ các DN tham gia cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh.
Bố trí nguồn kinh phí và phối hợp với các đơn vị chức năng đào tạo, tập huấn cho các DN về các nội dung trong phát triển hoạt động thương mại. Triển khai hiệu quả các chương trình, đề án khuyến công từ nguồn kinh phí địa phương và Trung ương để xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất; xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp; bình chọn các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu… Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu hàng hóa. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN tham gia các hội chợ thương mại trong nước và quốc tế cũng như ứng dụng thương mại điện tử để giúp các DN nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá, tiếp thị, xúc tiến thương mại, bán hàng trực tuyến, giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan.
Kinh tế biên mậu là một trong ba trụ cột của nền kinh tế Hà Giang, vậy Sở Công Thương tỉnh đã có những giải pháp nào thúc đẩy phát triển lĩnh vực này?
Để thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, Sở Công Thương đã đề ra những giải pháp cụ thể như:
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các đề án, kế hoạch, nghị quyết của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đối với phát triển kinh tế biên mậu gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đồng thời tiếp tục tham mưu đề xuất thực hiện đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu, lối mở, chợ biên giới theo các quy hoạch, đề án, kế hoạch đã được phê duyệt.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 240/KH-UBND ngày 20-9-2016 của UBND tỉnh về triển khai đề án thu hút đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp. Rà soát tổng thể lại quy hoạch đất đai trong khu kinh tế hướng đến quỹ đất sạch, đủ lớn để thu hút đầu tư. Mở rộng quy mô hệ thống kho bãi đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin về thị trường, mặt hàng, giá cả, các thay đổi trong chính sách biên mậu của Trung Quốc.
Duy trì cơ chế hợp tác với Sở Thương mại Quảng Tây và Châu Văn Sơn (Trung Quốc) để thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế thương mại biên giới; tổ chức gặp mặt định kỳ giữa Hội Thương mại xuất nhập khẩu tỉnh Hà Giang và Hiệp hội doanh nghiệp xuất nhập khẩu Châu Văn Sơn để tăng cường hợp tác, giao lưu phát triển kinh tế biên mậu. Tăng cường công tác giới thiệu, xúc tiến giao lưu hợp tác giữa các DN Hà Giang với các DN Trung Quốc; tìm kiếm đối tác, thị trường tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh với các địa phương láng giềng phía Trung Quốc.
Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng tại cửa khẩu, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới, tổ chức, DN tại cửa khẩu, đảm bảo đúng đối tượng, đúng danh mục hàng hóa và định mức, không để xảy ra tình trạng buôn lậu, trốn thuế. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn nhập lậu hàng hóa, thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh tại cửa khẩu.
Trân trọng cảm ơn ông!
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI