QUẢNG NGÃI

KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi: Đón làn sóng đầu tư mới

14:49:04 | 23/7/2019

Sau thành công của các dự án (DA) Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, hay KCN VSIP Quảng Ngãi (Singapore)... KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang là bến đỗ tin cậy của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Nội dung trao đổi với Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (Ban Quản lý) - ông Đàm Minh Lễ sẽ cho biết đâu là những nhân tố cốt lõi giúp KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi luôn có sức hút đối với các nhà đầu tư. Thanh Tùng thực hiện.

Sở dĩ nhiều nhà đầu tư tin tưởng chọn các KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi làm "bến đỗ", một phần nhờ Ban Quản lý luôn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thân thiện và trách nhiệm. Ông có thể nói rõ hơn về nỗ lực này?

Với quan điểm "thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh Quảng Ngãi", thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi cũng như Ban Quản lý luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ cho nhà đầu tư đến đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi.

Theo đó lãnh đạo tỉnh thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, động viên, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư; chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ cải cách, rút ngắn TTHC với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối. Năm 2018, tỉnh đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính công, là đầu mối một cửa cấp tỉnh tập trung, thực hiện liên kết việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của 16 sở; qua đó giảm chi phí và thời gian giải quyết TTHC cho nhà đầu tư và DN.

Xác định đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khó khăn lớn khi triển khai các DA, chính vì vậy đối với các DA lớn, Ban Quản lý đề xuất tỉnh thành lập Ban chỉ đạo, trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Phó Chủ tịch là Trưởng Ban chỉ đạo, họp tháo gỡ khó khăn thường xuyên… Điển hình là các DA: KCN VSIP Quảng Ngãi, Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và mới đây là các DA của Tập đoàn FLC. 

Bên cạnh đó, để hỗ trợ nhà đầu tư,  Ban Quản lý chủ động phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vướng mắc cụ thể cho từng DA…; đồng thời phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện công tác đền bù, GPMB; kịp thời tham mưu đề xuất UBND tỉnh để giải quyết, tháo gỡ về cơ chế, chính sách đền bù, GPMB.

Đặc biệt trong nhận thức và hành động thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ - công chức - viên chức Ban Quản lý luôn xác định "nhà đầu tư, DN là đối tượng phục vụ"; do đó môi trường đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đã được cải thiện hết sức tích cực trong những năm qua.

Để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, bên cạnh các ưu đãi chung theo quy định của Trung ương, tỉnh Quảng Ngãi còn có những cơ chế hỗ trợ đặc biệt nào dành cho nhà đầu tư?

Ngoài những chính sách chung mà nhà đầu tư được hưởng khi đầu tư tại bất cứ địa phương nào, nhằm hệ thống hóa các quy định về ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh, Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND. Trong đó, quy định rõ những chính sách ưu đãi, mức ưu đãi cụ thể về giá cho thuê đất, hỗ trợ công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của DA, xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung của KCN, CCN, các khu chức năng trong KKT.

Trong đó có những cơ chế, chính sách vượt trội như cho thuê đất để thực hiện các DA đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ; hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, GPMB đối với những DA đặc biệt khuyến khích đầu tư; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào DA, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ 50 đến 90% và miễn tiền thuê đất suốt đời DA đối với lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường; hỗ trợ chi phí đào tạo lao động, thông báo thành lập DN, quảng bá sản phẩm…

Đâu là những ngành công nghiệp tiềm năng hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho sự phát triển của KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi trong tương lai gần, thưa ông?

Bên cạnh các ngành công nghiệp hiện hữu như: lọc hóa dầu, cơ khí, công nghiệp nhẹ, may mặc... thì công nghiệp luyện cán thép với DA Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất và công nghiệp điện khí với các DA Nhà máy điện tuabin khí hỗn hợp khai thác từ mỏ khí Cá Voi Xanh hứa hẹn sẽ tạo cú hích cho ngành công nghiệp, cũng như sự phát triển KT - XH của tỉnh trong những năm tới.

Khu liên hợp thép Hòa Phát - Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng đang dần hoàn thiện với công suất 4 triệu tấn/năm. Tập đoàn Hòa Phát đang phấn đấu để đưa cả hai giai đoạn đi vào hoạt động đồng bộ vào quý II/2020. Nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất khép kín, hiện đại của Khu liên hợp, Hòa Phát đã quyết định đầu tư theo chiều sâu vào chuỗi các sản phẩm. Đầu tiên là DA Nhà máy sản xuất hợp kim sắt Hòa Phát Dung Quất, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; tiếp theo là DA Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép (thép dự ứng lực) tổng vốn đầu tư gần 1.700 tỷ đồng.

Với ngành công nghiệp điện khí, tại KKT Dung Quất sẽ có Trung tâm điện lực Dung Quất gồm ba nhà máy tuabin khí hỗn hợp Dung Quất I, II, III với công suất khoảng 750MW/nhà máy và dự phòng diện tích cho nhà máy thứ tư trong tương lai. Trong đó, hai nhà máy Dung Quất I và III do EVN làm chủ đầu tư; còn Nhà máy Điện Dung Quất II do Tập đoàn Sembcorp làm chủ đầu tư theo phương thức BOT.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thu hút được 22 dự án với tổng vốn đầu tư 465 triệu USD, nâng tổng số dự án đầu tư tại đây lên 323 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 12,5 tỷ USD (trong đó có 57 dự án FDI với tổng vốn 1,7 tỷ USD; 266 dự án trong nước với tổng vốn 218.033 tỷ đồng).
Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 162 DN đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 41.603 lao động; ngoài ra còn có trên 7.000 lao động đang làm công tác xây dựng và dịch vụ trên địa bàn.

Hiện Ban Quản lý đang hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện hoàn thành, đạt chất lượng các nội dung liên quan đến DA. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới tại KKT Dung Quất sẽ có làn sóng các nhà đầu tư mới, nhất là sau khi sản phẩm khí Cá Voi Xanh được đưa vào bờ. Hiện Ban Quản lý  đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN trong KKT Dung Quất; đầu tư hạ tầng kết nối giữa các KCN, giữa Trung tâm điện lực Dung Quất với các DN đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí để sản xuất; đồng thời mời gọi, thu hút các DA sử dụng sản phẩm khí để sản xuất hóa dầu, hóa chất, cung cấp nhiên liệu khí cho các ngành công nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh.

Ban Quản lý sẽ tập trung vào những giải pháp nào để phát triển KKT Dung Quất là hạt nhân tăng trưởng của tỉnh và trở thành trung tâm công nghiệp ven biển của khu vực miền Trung – như chủ trương được nêu lên trong quyết định điều chỉnh Quy hoạch Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 được UBND tỉnh ban hành năm 2018?

Trước mắt, Ban Quản lý sẽ tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các DA có sức lan tỏa trong thu hút đầu tư; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, tập trung thu hút các DA từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, châu Âu…; phối hợp chặt chẽ với VSIP Quảng Ngãi, Công ty Dae Young E&C (Hàn Quốc) để thu hút các DA công nghiệp nhẹ vốn FDI. Tập trung thu hút các ngành nghề, lĩnh vực mà KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có lợi thế so sánh, đặc biệt là các ngành nghề liên quan đến sử dụng cảng biển nước sâu, công nghiệp nặng; hóa dầu, hóa chất; logistics, hạ tầng và dịch vụ cảng; các DA kinh doanh hạ tầng KCN…

Ngoài ra Ban Quản lý cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng KKT; tập trung hoàn thành tuyến đường Trì Bình - Cảng Dung Quất; DA Kè chắn cát Dung Quất (giai đoạn 2) và tuyến đường liên cảng Dung Quất 1. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu đầu tư tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 24C đến đường Trường Sơn Đông để kết nối với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào nhằm phát huy hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất.

Trân trọng cảm ơn ông!