Với tiềm năng đất đai rộng lớn và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Lạng Sơn đang mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp. Tạp chí Vietnam Business Forum có cuộc trao đổi với ông Lý Việt Hưng - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn.
Có thể thấy việc kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm nghiệp tại Lạng Sơn còn hạn chế, theo ông đâu là nguyên nhân?
Lạng Sơn là tỉnh có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nông - lâm nghiệp. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn có những hạn chế. Một nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, luôn đối mặt với tác động của thiên tai, dịch bệnh nên lợi nhuận và rủi ro đầu tư cao. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về quỹ đất chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất; một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã chưa thực sự phát huy được hiệu quả do tiêu chí để thụ hưởng chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, hợp tác xã. Các cơ chế hoạt động liên kết chuỗi từ người sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm bước đầu có những mô hình tốt nhưng nhìn chung còn thiếu bền vững, chưa gắn kết chặt chẽ lợi ích và trách nhiệm các bên…
Một vài đánh giá của ông sau 5 năm triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”?
Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tạo chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo, cán bộ đảng viên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức sản xuất; từng bước thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự túc tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa. Qua đó, cơ bản hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, xây dựng được thương hiệu cho một số sản chủ lực của địa phương. Giá trị thu được từ nông, lâm sản ngày một tăng, đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống dân cư nông thôn.
Nông nghiệp Lạng Sơn đã bước phát triển cả về lượng và chất, hình thành rõ nét nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vị trí ngành nông nghiệp ngày một khẳng định, các mặt hàng nông lâm sản đặc sản như na, hoa hồi, rau... đã có thương hiệu và khẳng định vị trí trên thị trường, có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh... Trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, mang tính hàng hóa, như vùng na ở Chi Lăng; vùng quýt ở Bắc Sơn, quýt Tràng Định; vùng chè ở Đình Lập; vùng hồi ở Văn Quan, Bình Gia, Văn Lãng… Các sản phẩm dần tạo thương hiệu trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Trong đó, sản phẩm hoa hồi có diện tích trên 34.000 ha, sản lượng hàng năm đạt trên 15.000 tấn, giá trị sản phẩm trên 1.000 tỷ đồng; sản phẩm na có khoảng trên 3.000 ha tập trung ở Chi Lăng, Hữu Lũng, sản lượng hàng năm đạt trên 30 nghìn tấn, giá trị thu được hàng năm trên 1.000 tỷ đồng.
Nhiều lĩnh vực sản xuất được tổ chức lại hợp lý hơn, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị sức cạnh tranh trên thị trường. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật được tăng cường áp dụng vào sản xuất, nhất là khâu giống được cải thiện. Nhiều giống mới, cây trồng mới có giá trị được đưa vào sản xuất trên địa bàn. Diện mạo nông thôn từng ngày được đổi thay theo hướng hiện đại, sạch đẹp. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả; đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng lên.
Trân trọng cảm ơn ông!