LẠNG SƠN

Thành phố Lạng Sơn: Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư

10:58:05 | 30/9/2019

Những năm qua, chính quyền thành phố (TP) Lạng Sơn đã thực hiện nhiều hướng đi, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa. Xung quanh chủ đề này, ông Lê Trí Thức - Chủ tịch UBND TP Lạng Sơn có buổi trao đổi với Tạp chí Vietnam Business Forum. Ngô Khuyến thực hiện.

TP Lạng Sơn đang trên đà phát triển, khẳng định vị thế một đô thị loại II năng động, hiện đại và giàu bản sắc, một vài chia sẻ của ông về vấn đề này?

Là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, TP Lạng Sơn nằm ở vị trí thuận lợi cách Thủ đô Hà Nội 154 km, cách biên giới Việt-Trung 18 km; có sông Kỳ Cùng chảy qua trung tâm với hơn 140 tuyến đường, phố nội, ngoại thị, là đầu mối của nhiều tuyến đường huyết mạch chạy qua nên có lợi thế phát triển, nhất là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.

Những năm qua, TP đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân trên 13%/năm, thu ngân sách tăng 15-20%/năm. Nổi bật là ngành thương mại - dịch vụ - du lịch phát triển nhanh, khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn. TP có 5 chợ, 5 trung tâm thương mại, siêu thị  cùng nhiều cửa hàng kinh doanh tiện lợi với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 đạt 5.804 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn còn có trên 1.000 doanh nghiệp, 33 hợp tác xã và trên 6 nghìn hộ cá thể đang hoạt động.

Cùng với phát triển kinh tế, TP đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Nhiều công trình lớn mọc lên, nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị được triển khai góp phần xây dựng TP Lạng Sơn ngày một khang trang, xanh, sạch, đẹp và hiện đại. Hệ thống cây xanh, điện chiếu sáng công cộng đèn trang trí… cũng được đưa vào các đề án để tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư những năm tới.

TP Lạng Sơn còn có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và các cơ sở tín ngưỡng dân gian, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 7 di tích cấp tỉnh. Những danh thắng nổi tiếng đã đi vào thơ, ca như: Quần thể di tích Nhị - Tam Thanh, thành Nhà Mạc, Núi Vọng Phu… được coi là “ Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng”… Vào dịp đầu xuân, TP có 7 lễ hội truyền thống gắn với các di tích là lễ hội Chùa Tiên, Chùa Tam Thanh, Đền Kỳ Cùng, Đền Tả Phủ, Đền Vua Lê, đình Pác Moòng, lễ hội xuống đồng làng Khòn Lèng… thu hút đông đảo du khách.

Thời gian tới, TP tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, minh bạch hóa các thông tin, đồng hành giải quyết các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và phục vụ, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư; đồng thời, tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách để phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, TP tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, phát triển đa dạng loại hình du lịch, dịch vụ; tiếp tục phát huy hiệu quả của các chợ Đông Kinh, chợ đêm Kỳ Lừa, chợ Lạng Sơn, chợ Giêng Vuông,… Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch.

Để khai thác, phát triển du lịch và dịch vụ, TP Lạng Sơn đã triển khai các chương trình, kế hoạch nào và kết quả đạt được?

Thời gian qua, Thành ủy và UBND thành phố đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch thực hiện đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Đề án phát triển du lịch.

TP cũng đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, giới thiệu về du lịch, tổ chức các hội thảo khoa học, tham gia các sự kiện văn hóa trong, ngoài tỉnh; trong đó có việc tổ chức các hoạt động Tuần Văn hóa - Thể thao, Du lịch và lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch. Các loại hình văn hóa phi vật thể như: Hát then, sli, văn hóa ẩm thực… được phát huy thông qua các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian, các hội chợ, hội thi “hương sắc ẩm thực”… Cùng với đẩy mạnh tu bổ, sửa chữa và bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, thắng cảnh; từ năm 2018 đến nay, UBND TP đã và đang xây dựng, tôn tạo được 10 di tích với tổng kinh phí từ ngân sách và xã hội hóa khoảng 70 tỷ đồng.

Những năm qua, TP đã đẩy mạnh mời gọi nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch; thực hiện Đề án bảo tồn, phát triển giá trị cây đào; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch từ hoa đào như quy hoạch một số vùng đào đẹp trên địa bàn, tạo điểm du lịch trên quy mô rộng; khuyến khích người dân khai thác dịch vụ du lịch từ vườn đào; thành lập hợp tác xã trồng đào, tổ chức triển lãm cây đào đẹp; phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về thành phố Lạng Sơn - thành phố hoa đào, đồng thời xây dựng các sản phẩm biểu tượng, biểu trưng lưu niệm lấy ý tưởng từ hoa đào; triển khai cuộc thi “Thiết kế mẫu sản phẩm quà tặng, lưu niệm du lịch” và “Sáng tác khẩu hiệu (slogan) du lịch”; đưa vào hoạt động fanpage thành phố Lạng Sơn.

Nhờ những giải pháp, hoạt động tích cực đó, ngành du lịch TP đạt được nhiều kết quả khích lệ: Tổng số khách năm 2018 đạt 1.748.200 lượt, tăng 6,5% so năm 2017, trong đó có 182.680 lượt khách quốc tế. Trong 9 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách du lịch đạt 1.548.200 lượt, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 108.400 khách quốc tế.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn đã được chính quyền TP triển khai ra sao, thưa ông?

Để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn, TP tập trung vào một số giải pháp, hoạt động chủ yếu sau:

Một là: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; đẩy mạnh huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển. Triển khai thực hiện các dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP),… để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Hai là: Công khai, minh bạch hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về chiến lược, định hướng và kế hoạch đầu tư phát triển; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng, ngành, lĩnh vực, các dự án, danh mục kêu gọi đầu tư;… tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và áp dụng các chính sách ưu đãi. Tạo lập nhiều kênh thông tin để tiếp nhận và đề xuất giải quyết phản ánh, kiến nghị; tăng cường chất lượng và hỗ trợ cho các doanh nghiệp về thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác, xúc tiến đầu tư thương mại…
Ba là: Thực hiện rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy chính quyền các cấp. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hóa công sở. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí sử dụng cán bộ; phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ có năng lực.

Bốn là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; nâng cao năng lực điều hành, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành của hệ thống hành chính các cấp. Nâng cao chất lượng công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để phòng ngừa, phát hiện xử lý các hành vi quan liêu tham nhũng.

Năm là: Tạo điều kiện cho các Đoàn luật sư, các tổ chức tư vấn pháp lý trong việc cung cấp, tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.