Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Việc phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế (KKT) Thái Bình tạo cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo trong lộ trình xây dựng và đẩy mạnh thu hút đầu tư cho tỉnh Thái Bình và khu vực lân cận những năm tới.
Theo đó, KKT Thái Bình nằm trải rộng trên địa bàn 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển với tổng diện tích tự nhiên 30.583 ha. KKT Thái Bình được xác định là khu kinh tế tổng hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình và vùng duyên hải Bắc Bộ; một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải, trung tâm công nghiệp, năng lượng, thương mại - dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản; có cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng. Quy mô dân số đến năm 2025, dân số là 227.000 người, trong đó đô thị là 94.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 41%; đến năm 2040, dân số là 300.000 người, trong đó đô thị là 210.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 70%.
Về mặt không gian, KKT có nhiều khu chức năng như: Trung tâm điện lực Thái Bình (gồm Trung tâm nhiệt điện Thái Bình, diện tích 253 ha và khu điện gió 600 ha); các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp có tổng diện tích 8.020 ha; khu cảng biển Thái Bình với các khu bến, khoảng 500 ha; các khu du lịch và dịch vụ tập trung có diện tích 3.110 ha...
Về định hướng kiến trúc, cảnh quan hiện đại, dựa trên cấu trúc cảnh quan và sinh thái tự nhiên, đặc biệt là khai thác cảnh quan sông, khu vực cửa sông biển, dải bờ biển; phù hợp với điều kiện văn hóa xã hội; tăng cường hệ thống không gian công cộng, quảng trường, không gian cảnh quan tự nhiên gồm: Vùng cảnh quan ven biển; Vùng cảnh quan dọc các tuyến sông: Mở hướng trục cảnh quan ra các dòng sông, tạo các tuyến đường dọc sông, quản lý chặt chẽ kiến trúc cảnh quan khu vực mặt tiền sông; Vùng cảnh quan thị trấn Diêm Điền mở rộng: ...
Về định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội phát triển theo hướng công nghiệp thân thiện với môi trường. Khu kinh tế tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp (golf, casino); kết hợp với du lịch tham quan, thưởng ngoạn cảnh quan rừng ngập mặn và tìm hiểu, khám phá các sản phẩm hàng hóa lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp. Kết nối du lịch Khu kinh tế với các hành trình du lịch nổi tiếng trong vùng bằng đường thủy, đường biển, đường hàng không (thủy phi cơ); hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hiện đại, đẳng cấp tại khu vực Cồn Đen, Cồn Thủ, Cồn Vành. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp hạ tầng du lịch.
KKT Thái Bình là KKT thứ 17 trong hệ thống các khu kinh tế cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế không chỉ tỉnh Thái Bình mà của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Phát biểu trong buổi lễ công bố Quy hoạch, ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình đã nhấn mạnh: Ngay sau công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, địa phương trong tỉnh phải tập trung tuyên truyền sâu rộng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KKT và các nội dung, định hướng quy hoạch phát triển Khu kinh tế Thái Bình để các tổ chức, cá nhân, nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ, cộng đồng doanh nghiệp , các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và thực hiện đầu tư có hiệu quả..
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng cũng nhấn mạnh trong buổi làm việc với chính quyền Thành phố Hải Phòng- địa phương có địa bà tiếp giám và có mối liên hệ chặt chẽ với KKT Thái Bình: Sức hấp dẫn của khu kinh tế Thái Bình có phần quan trọng do lợi thế thông thương, sự thuận tiện trong vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa qua hệ thống các cảng biển Hải Phòng. Bên cạnh đó, Thái Bình chú trọng mời gọi và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng, phát triển khu công nghiệp tiếp giáp với Hải Phòng như Cầu Nghìn có diện tích 212 ha, khu công nghiệp chuyên phục vụ nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải… Hiện tỉnh Thái Bình đã thống nhất chủ trương và giao các đơn vị liên quan lập dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi cầu Nghìn theo hình thức BOT với chiều dài 23 km, chạy song song với quốc lộ 10, nhằm giảm tải mật độ giao thông cho quốc lộ 10 và hình thành trục phát triển kinh tế Bắc- Nam của Thái Bình, kết nối với trung tâm thành phố Hải Phòng. Trong đó sẽ xây mới cầu Nghìn ở vị trí cách cầu cũ khoảng 1,2 km về phía Đông, kết nối với quốc lộ 10, đoạn qua thành phố Hải Phòng, tổng mức dự án khoảng 1.500 tỷ đồng.
KKT Thái Bình có lợi thế nằm trên tuyến đường bộ ven biển, nối từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa đã và đang được đầu tư xây dựng; cách sân bay quốc tế Cát Bi và cảng biển Đình Vũ, cảng nước sâu Lạch Huyện của Hải Phòng khoảng 30 km; cách sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) khoảng 70 km, bởi vậy rất thuận lợi khi sử dụng các loại hình giao thông, nhất là đường bộ, đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, KKT còn có tiềm năng, lợi thế về nguồn năng lượng khí mỏ tự nhiên, điện, than với trữ lượng lớn, có thể khai thác, sử dụng lâu dài, cùng quỹ đất sạch và các cồn cát, rừng ngập mặn ven biển, rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và xây dựng đô thị hướng biển, liên kết địa bàn trọng điểm kinh tế của vùng Duyên hải Bắc Bộ và cả nước. Việc thành lập KKT tạo điều kiện thuận lợi để khai thác và phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa kinh tế của khu vực ven biển, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Song Uyên (Tạp chí Vietnam Business Forum)