Những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ các “điểm nghẽn”, hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Điều này càng được thể hiện rõ nét trong giai đoạn doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Xung quanh chủ đề này, Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Đặng Trọng Thăng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình. Ngô Khuyến thực hiện.
Ông có thể cho biết đôi nét về nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Thái Bình những năm vừa qua; đặc biệt, trong năm 2020, tỉnh có những giải pháp, hoạt động hỗ trợ như thế nào nhằm giúp doanh nghiệp ứng phó tác động của đại dịch Covid-19?
Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư.
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tỉnh Thái Bình đã thành lập Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2019 và chỉ đạo quyết liệt thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ”. Đến nay các sở, ngành của tỉnh đã thực hiện 100% số thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh. Ngoài ra, huyện Đông Hưng và thành phố Thái Bình đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của địa phương. Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm 50% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án triển khai Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI); đồng thời giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và các chuyên gia xây dựng và đưa vào áp dụng ngay từ Quý I/2020 Bộ Chỉ số này. Bộ Chỉ số DDCI sẽ là công cụ quan trọng để UBND tỉnh giám sát, chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các sở, ngành, UBND huyện và thành phố; đồng thời hỗ trợ cho lãnh đạo các cơ quan trên nhận diện điểm mạnh, hạn chế trong điều hành, từ đó xác định những vấn đề trọng tâm cần cải cách, giải pháp thực hiện hiệu quả nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư vào địa phương, Tỉnh đã quan tâm chỉ đạo huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ở xã hội,…; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh theo từng lĩnh vực cụ thể như: Công nghiệp - thương mại, nông nghiệp nông thôn, văn hóa, thể dục, thể thao, dạy nghề, nước sạch…
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện các Nghị quyết số 19, số 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp...
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI công bố năm 2019, tỉnh Thái Bình đạt 65,38 điểm xếp thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước (ở nhóm Khá), xếp thứ 6/11 so với các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Hồng; Thái Bình đã có 05 năm liên tiếp tăng điểm (năm 2019 tăng 7,64 điểm, xếp hạng tăng 10 bậc so với năm 2015) điều này chứng minh sự nỗ lực của tỉnh trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đã đem lại hiệu quả trong thực tiễn.
Đầu năm 2020, trong bối cảnh tình hình thế giới cũng như Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19; để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã khẩn trương triển khai đầy đủ chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó với tác động của dịch bệnh Covid-19. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động, thành lập và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo và các Tiểu ban để chỉ đạo triển khai Kế hoạch hành động, trong đó tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, tài chính, tín dụng, rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai,… tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất; đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục dự án, giao kế hoạch và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; trong đó quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, nội dung hỗ trợ đối với mỗi nhóm đối tượng và cách thức, trình tự thực hiện ở từng cấp; thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ và giám sát việc thực hiện Kế hoạch ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); đồng thời, tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành trong việc triển khai thực hiện các chính sách đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi, tham nhũng, lợi dụng chính sách của Nhà nước.
Việc thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển tỉnh Thái Bình trực thuộc UBND tỉnh được kỳ vọng sẽ mang lại những đổi mới ra sao trong công tác xúc tiến, hỗ trợ đầu tư của tỉnh trong những năm tới?
Thời gian qua, Trung tâm Xúc tiến và Tư vấn đầu tư (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Xúc tiến Thương mại (thuộc Sở Công Thương) và Trung tâm Xúc tiến Du lịch (thuộc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã tích cực hoạt động, đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch còn nhiều hạn chế, nội dung chưa có chiều sâu, thiếu đồng bộ và thiếu tính chiến lược, hiệu quả chưa cao.
Việc thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển tỉnh Thái Bình trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở sáp nhập 3 trung tâm trên và tiếp nhận các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động xúc tiến đầu tư của Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ đầu tư và Dịch vụ Khu công nghiệp thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế và các Khu công nghiệp tỉnh là cần thiết, nhằm tập trung nguồn lực thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, thu hút đầu tư, khắc phục các hạn chế, bất cập hiện nay trong hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác xúc tiến, tư vấn đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới; phù hợp với Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 07/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tình hình triển khai Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh Thái Bình đến nay thế nào, thưa ông?
Ngày 28/10/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Ngày 05/11/2019, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố công khai quy hoạch đồng thời đã chỉ đạo UBND huyện Thái Thụy, Tiền Hải và UBND các xã nằm trong phạm vi Khu kinh tế tổ chức công bố công khai Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế để tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Hiện nay, tỉnh đang chỉ đạo các ngành chức năng, UBND huyện Tiền Hải, Thái Thụy thực hiện việc cắm mốc Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, nông thôn mới... bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế; tiến hành quy hoạch chi tiết các phân khu trong Khu kinh tế Thái Bình, và triển khai thực hiện thí điểm một số dự án quy hoạch phân khu trong Khu kinh tế; đồng thời tỉnh đã ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào Khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI