Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Qua đó, ngành KH&CN đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế quan trọng trong sự nghiệp phát triển của địa phương. Phóng viên Vietnam Business Forum có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Dực, Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thái Bình xung quanh nội dung này.
Ông đánh giá gì về những kết quả triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh Thái Bình trong năm 2019?
Năm 2019, toàn tỉnh đã triển khai 68 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 5 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi; 63 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh. Hầu hết các nhiệm vụ đều có kết quả cao, đóng góp thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong đó, các nhiệm vụ KH&CN ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai theo hướng phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới. Đã tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao như: các giống khoai tây Rosagold, Esmee và giống lạc CNC1. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN hiệu quả như: Mô hình sản xuất cây măng tây; lúa hai dòng TH6-6; mô hình thử nghiệm 3 giống khoai tây Forza, Rivola và Amanda nhập khẩu từ Hà Lan…
Về lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản: Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, tỷ lệ lưu hành, mức độ thiệt hại của bệnh dịch tả lợn châu Phi và xây dựng biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh; bảo tồn và lưu giữ nguồn gen ngao dầu; ứng dụng kỹ thuật sinh sản trong lai tạo bò đực Blanc Blue Belge lai với bò cái lai Sind thành bò lai F1 hướng thịt, phục vụ đề án phát triển đàn trâu, bò của tỉnh. Nhiều mô hình thủy sản bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng nhân rộng trên diện tích lớn…
Về lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp, tổ chức KH&CN trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống như: Công nghệ quét mã QR để truy xuất nguồn gốc - chống hàng giả; thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát trạm biến áp phân phối trong cung cấp điện; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống điều khiển tưới thông minh cho một số loại cây trồng...
Ngoài ra, các dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi đã hỗ trợ tích cực cho việc tạo ra các sản phẩm mới, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Trong lĩnh vực y tế, bảo vệ môi trường, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được ứng dụng hiệu quả vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng, chống dịch bệnh và khám chữa bệnh.
Trong năm 2020 và những năm tiếp theo, các nhiệm vụ KH&CN sẽ tập trung vào những nội dung nào, thưa ông?
Năm 2020, ngành KH&CN Thái Bình sẽ bám sát vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu UBND tỉnh, Bộ KH&CN ban hành mới các quy định quản lý hoạt động nghiên cứu KH&CN phù hợp với tình hình thực tiễn. Khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp thu chuyển giao tiến bộ KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, có sức cạnh tranh trên thị trường.
Đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững; hình thành và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 50% so với phương thức sản xuất truyền thống. Ưu tiên hỗ trợ các nhiệm vụ KH&CN phục vụ đề án “Phát triển đàn trâu, bò thương phẩm theo chuỗi liên kết giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo” của tỉnh.
Tăng cường xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, tập trung quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt và chế biến hải sản. Nâng cao hiệu quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện.
Để các doanh nghiệp dễ tiếp cận các chính sách hỗ trợ về KH&CN, việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Sở thực hiện ra sao?
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ về vai trò quan trọng của ứng dụng KH&CN trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công, góp phần đáp ứng nhu cầu nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế. Qua đó, trở thành động lực then chốt giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Chúng tôi xác định, để làm tốt việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thành tựu của KH&CN, công tác cải cách TTHC phải được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách hỗ trợ về KH&CN, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn.
Căn cứ Kế hoạch kiểm soát TTHC hằng năm của UBND tỉnh, Sở KH&CN đã ban hành kế hoạch kiểm soát TTHC của Sở và tổ chức thực hiện kế hoạch trên. Từ năm 2011 đến nay, Sở đã tham mưu UBND tỉnh công bố 59 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết (Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 09/01/2020 về việc công bố Danh mục TTHC được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở); nội dung các TTHC đã được công khai tại nơi tiếp nhận và xử lý TTHC, đăng tải toàn bộ trên trang thông tin điện tử của Sở, Cổng dịch vụ công tỉnh Thái Bình và trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC.
Đồng thời, duy trì thường xuyên hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức đối với TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định, đảm bảo tiếp nhận qua đường dây nóng 24/24 giờ.
Sở đã tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá 59/59 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết; thực hiện cắt giảm thời gian giải quyết hơn 40% số TTHC; tham mưu UBND tỉnh công bố cắt giảm hơn 40% thời gian giải quyết so với quy định của Trung ương là 27; số TTHC đã trình UBND tỉnh phê duyệt cắt giảm thời gian giải quyết là 15; tỷ lệ % thời hạn cắt giảm bình quân của toàn bộ TTHC là 37% .
Thực hiện Quyết định số 2503/QĐ-UBND ngày 06/9/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổ chức thực hiện giải quyết TTHC theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh công bố danh mục và quy trình giải quyết 59 TTHC thực hiện phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đề xuất thực hiện dịch vụ công mức độ 3 cho 31 TTHC và mức độ 4 cho 9 TTHC; thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích cho 59 TTHC.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc