THÁI BÌNH

Khu kinh tế Thái Bình sẵn sàng đón “sóng” đầu tư

14:05:33 | 23/6/2020

Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu kinh tế và đang hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể. Đây là cơ hội lớn để mảnh đất 31.000 ha, với 54 km ven biển đầy tiềm năng này trải thảm đỏ chào đón các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.

Khu kinh tế Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập tại Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017. So với các khu kinh tế, khu công nghiệp trong khu vực, Khu kinh tế Thái Bình có những lợi thế so sánh nhất định như:

Khu kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Thái Thụy, Tiền Hải và phần tiếp giáp ven biển, với diện tích tự nhiên 30.583 ha. Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: Trung tâm điện lực Thái Bình (gồm Trung tâm nhiệt điện Thái Bình; khu điện gió); khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp và cụm công nghiệp; khu cảng biển Thái Bình; khu đô thị; khu du lịch và dịch vụ; khu dân cư nông thôn và nông nghiệp. Trong đó, diện tích quy hoạch phát triển các khu công nghiệp là 8.020 ha, rất thuận lợi để phát triển công nghiệp.

Nằm ở vị trí trung tâm ven biển của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Khu kinh tế có ranh giới: Phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hóa; phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng; phía Đông giáp biển Đông với hơn 50 km bờ biển; phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải. Khu kinh tế Thái Bình có vị trí rất thuận lợi, với nhiều tuyến đường giao thông quan trọng đi qua, như: Quốc lộ 39, Quốc lộ 37, đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, đường Thái Bình – Hà Nam và đặc biệt là tuyến đường bộ ven biển đi qua 6 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa chạy dọc khu kinh tế đang được thi công xây dựng, làm rút ngắn khoảng cách giữa Khu kinh tế Thái Bình với các đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực (Khoảng cách từ Khu kinh tế Thái Bình tới Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng nước sâu Lạch Huyện khoảng 30-40 km); hệ thống giao thông đường biển, đường sông cũng rất thuận lợi.

Khu kinh tế Thái Bình là địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước, với mức ưu đãi đầu tư hấp dẫn, có nguồn lao động dồi dào, nguồn tài nguyên đa dạng: Khu kinh tế Thái Bình có nguồn tài nguyên thiên nhiên khá đa dạng cả trong lòng đất và trên mặt đất. Một trong những nguồn tài nguyên quan trọng như: Khí đốt, Các mỏ cát ven biển, Hệ sinh thái rừng ngập mặn

Để phát huy lợi thế của Khu kinh tế Thái Bình, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp đang tích cực tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nội dung công việc tại Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg ngày 29/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình, Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm phát triển Khu kinh tế Thái Bình trở thành địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh điểm khác biệt về Khu kinh tế Thái Bình, trên địa bàn tỉnh có Khu công nghiệp Thaco – Thái Bình. Đây là khu công nghiệp có tính chất phục vụ nông nghiệp. Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thaco - Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 24/7/2019. Dự án sẽ góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp nước nhà nói chung, nông nghiệp vùng Bắc bộ nói riêng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hiện tại, Thái Bình đang tích cực giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Đặng Trọng Thăng tại Lễ kỷ niệm thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) và kỷ niệm thành lập Khu kinh tế (KKT) Thái Bình diễn ra năm vừa qua đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương và Ban Quản lý cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, có cơ chế định kỳ tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời xử lý. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phù hợp, tạo thuận lợi và đáp ứng tốt nhất nhu cầu của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế. Đổi mới tư duy, tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện bảo đảm khai thác tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình bắt kịp xu thế thời đại, xứng tầm với các KCN, khu kinh tế trong cả nước, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nguồn: Vietnam Business Forum