Để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huyện Tuyên Hóa đã tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương; khơi dậy tinh thần khởi sự lập nghiệp. Đặc biệt, huyện luôn xác định thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong những giải pháp quan trọng, tạo động lực phát triển bền vững.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp
Năm 2019, huyện Tuyên Hóa có 18/19 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 10,5%; thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện 65 tỷ đồng, đạt 116,7% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,03% so với năm 2018, còn 9,51%. Trong năm, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt lên 6 xã.
Năm 2020, huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững: duy trì diện tích nuôi cá ao hồ và nuôi cá lồng trên sông; kích cầu, tăng sức tiêu thụ hàng hóa tại địa phương; chú trọng cho vay trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu lao động, giảm nghèo; tạo môi trường thuận lợi thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư; kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu...
Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, huyện tích cực triển khai nhiều giải pháp quan trọng như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ giới hóa, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng tối đa các tiềm năng lợi thế của địa phương; kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến, bảo quản, tiêu thụ theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm…, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Từ năm 2015, với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết các cấp về tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương rà soát, đánh giá, phân tích những tiềm năng, thế mạnh, khó khăn, hạn chế... để tập trung có định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời khuyến khích tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Sau 5 năm thực hiện, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng ổn định và bền vững, từng bước phát triển các vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp theo hình thức trang trại, gia trại. Năm 2019, lương thực toàn huyện đạt 22.489,4 tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 2015. Các loại cây trồng có lợi thế khác như ngô, lạc đều tăng mạnh so với thời điểm trước khi thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện đã tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng tổng đàn, chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung. Các sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp tục được triển khai nhân rộng, đặc biệt, thương hiệu “Mật ong Tuyên Hóa”, “Gà đồi Tuyên Hóa” dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Chủ động tiếp cận nguồn vốn đầu tư
Tuyên Hóa là huyện miền núi, điều kiện tự nhiên bị chia cắt, đan xen giữa nhiều địa hình đồi núi, sông suối. Điều đó không chỉ làm hạn chế đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân mà còn ảnh hưởng đến việc kết nối, thông thương với các địa phương khác và chính sách thu hút đầu tư của địa phương. Do đó, những năm qua, huyện luôn xác định thu hút đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, cầu, đường bộ để tạo động lực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện.
Là địa phương có xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu tư xây dựng của Tuyên Hóa rất hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư là rất lớn. Để giải quyết “bài toán” này, huyện luôn ưu tiên lựa chọn các công trình cấp thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm không để thất thoát và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Nhờ vậy, tình hình xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chỉ tính riêng trong 2 năm 2018, 2019, huyện đã kêu gọi, thu hút đầu tư được 31 dự án, với tổng mức đầu tư trên 309 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Tuyên Hóa sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo hướng tập trung, có trọng điểm, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Huyện quyết tâm không đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối để tránh tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản đồng thời, chú trọng xã hội hóa đầu tư nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa...
Bên cạnh đó, huyện đã chủ động tiếp cận các nguồn vốn đầu tư từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hỗ trợ của doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ; vận dụng tối đa các nguồn lực tại chỗ thông qua cấp, đấu giá quyền sử dụng đất. Mặt khác, tổ chức khai thác có hiệu quả các công trình, dự án của Trung ương, tỉnh đầu tư trên địa bàn.
Với quyết tâm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh, huyện đã tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC. Đồng thời, chủ động, kịp thời xử lý những vướng mắc, nhất là làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các dự án đầu tư xây dựng sớm triển khai. Hàng năm, lãnh đạo huyện tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI