Phương thức kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai ngày càng đa dạng, bằng nhiều hình thức và tập trung nhiều vào lĩnh vực như: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các dự án chế biến sâu từ sản phẩm nông nghiệp, các dự án điện năng lượng mặt trời, điện gió, điện sinh khối… đã tạo ra sự khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư.
Thu hút đầu tư tạo động lực phát triển kinh tế -xã hội
Sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã góp phần giúp Gia Lai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế giai đoạn 2015-2020. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,83%, vượt kế hoạch đã đề ra là 7,5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,54 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2015. Góp phần vào thành quả đó có sự đóng góp lớn bởi hệ thống doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh (đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có trên 7.000 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 101.000 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2015).
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Gia Lai đã thu hút, kêu gọi đầu tư vào địa bàn tỉnh 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 có 104 dự án với tổng vốn đăng ký là 23.948 tỷ đồng). Như vậy so với giai đoạn 2011-2015 tăng gấp 5 lần số dự án và tăng 36 lần so với vốn. Trong đó: 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 66.500 tỷ đồng (giai đoạn 2011-2015 có 38 DA, vốn đăng ký 1.700 tỷ đồng); 108 dự án được các doanh nghiệp đang lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng (trong đó có các dự án lớn như: Khu Lâm nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp công nghệ cao; các dự án du lịch; dự án lốp, băng chuyền từ cao su; các dự án chợ đầu mối quốc tế, khu cảng cạn); 176 dự án đã xin nghiên cứu và hoàn thiện các thủ tục điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng;
Qua đó, thu ngân sách trên địa bàn tăng qua các năm; giải quyết phần lớn công ăn việc làm, ổn định kinh tế, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, bộ mặt thành thị và nông thôn ngày càng đổi mới nhanh chóng. Đặc biệt, khi doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển đã phát huy được tính cộng đồng trách nhiệm trong công tác chung tay xóa đói, giảm nghèo; góp phần hoàn thành chính sách nhà ở trong đối tượng gia đình chính sách, người có công.
Đa dạng hoá phương thức và lĩnh vực thu hút đầu tư
Chia sẻ về công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai - ông Hồ Phước Thành cho biết, tỉnh đã chủ động đa dạng hóa công tác kêu gọi đầu tư, đa phương hóa đối tượng. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư thông qua các hội nghị, hội thảo, xúc tiến đầu tư tại chỗ, liên vùng, liên khu vực, trong và ngoài nước…Chuẩn bị tốt công tác giải phóng mặt bằng nhằm tạo quỹ đất để giới thiệu cho các nhà đầu tư. Tăng cường đa dạng công tác tuyên truyền, minh bạch hóa thông tin về các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch… của tỉnh, danh mục kêu gọi đầu tư, quy trình triển khai thực hiện… để người dân và doanh nghiệp được biết.
Sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND , UBND tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư cũng là một nhân tố tích cực. “UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng Xúc tiến đầu tư của tỉnh (Hội đồng này được tỉnh thành lập do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư là Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên là các đồng chí Giám đốc các sở, ngành có liên quan và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố - nơi có dự án đầu tư. Ban hành quyết định về quy định trình tự thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai kết hợp nhiều thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư”, ông Thành chia sẻ.
Ngoài ra, phải kể đến công tác cải cách hành chính được tỉnh Gia Lai quan tâm đúng mức. Tỉnh đã thành lập Trung tâm hành chính công đặt tại Bưu điện tỉnh, giải quyết hầu hết các thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí, sửa đổi các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng được nâng cao: PCI năm 2015 của tỉnh Gia Lai đạt 56,83 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh thành, đến năm 2019 đạt 65,34 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh thành (trong 5 năm tăng được 17 bậc).
6 trọng tâm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để giải quyết các hồ sơ thủ tục đầu tư theo hướng tinh gọn, đảm bảo hiệu quả đúng quy định của pháp luật (phấn đấu đến năm 2025 tỉnh Gia Lai đứng trong top 20 của bảng xếp hạng PCI cả nước).
- Thường xuyên cập nhật và hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các thủ tục theo các Luật mới ban hành về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, đấu giá, đất đai, tài sản công, kinh doanh bất động sản..theo đúng quy định của pháp luật đồng thời phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, tránh để doanh nghiệp đi lại nhiều lần.
- Kêu gọi và lựa chọn các dự án ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp. Trong đó, cần có dự án mang hàm lượng khoa học và công nghệ cao, khuyến khích các dự án đầu tư công nghệ trong một số lĩnh vực chủ lực như: giống cây trồng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, truy xuất nguồn gốc.
- Xây dựng các trung tâm nghiên cứu khảo nghiệm giống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài nguyên về giống, kết quả nghiên cứu khoa học của các viện, trường đại học, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học...
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết: Về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, cánh đồng mẫu lớn, trồng rừng.. bằng các đề án chương trình kế hoạch hành động cụ thể.
- Tập trung xây dựng các công trình thủy lợi, khắc phục hạn hán và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn, như: Hồ Ea Thul (huyện Ia Pa) tưới 7.700 ha, Suối Lơ (huyện K’bang) tưới 1.500 ha; Hồ Đăk Pờ Tó (huyện Mang Yang) tưới 2.150 ha. Tăng cường đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, các dự án có quy mô lớn, mang tính đột phá, trên cơ sở huy động bằng nhiều nguồn lực ngân sách và ngoài ngân sách như: Cao tốc Quốc lộ 19 nối Cảng Quy Nhơn – Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, đường nối 2 tỉnh Gia Lai Phú Yên, AyunPa- Ea Hleo (Đăk Lăk) sẽ tạo điều kiện kết nối hạ tầng, thuận lợi trong quá trình vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí vận chuyển... Đồng thời tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư phát triển thành phố Pleiku là trung tâm hạt nhân của tỉnh; củng cố các vùng động lực phía Đông (thị xã An Khê), phía Đông Nam (thị xã AyunPa), phía Tây Nam (Khu Kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh) tạo sự lan tỏa đối với các vùng còn lại của tỉnh.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI