GIA LAI

Phát triển du lịch Gia Lai: Tiềm năng và giải pháp

13:03:00 | 18/12/2020

Gia Lai là tỉnh bắc Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên hơn 1.551.098,63 ha; với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Trong những năm gần đây, hình ảnh du lịch của tỉnh được tăng cường quảng bá qua các hội chợ du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời tỉnh đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, hội thảo, hội nghị các ngành, các giải thể thao toàn quốc, góp phần thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước.

Tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá, tăng cường đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương có điều kiện phát triển du lịch. Tổng lượt khách du lịch 9 tháng đầu năm 2019 đạt 566.000 lượt, tăng 26,1% so với cùng kỳ (khách quốc tế 11.300 lượt); tổng thu du lịch đạt 261 tỷ đồng, đạt 68% so với kế hoạch.

Hằng năm, các địa phương duy trì tổ chức các sự kiện văn hóa thu hút đông đảo lượng khách tham quan như thị xã An Khê tổ chức Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa và Hội hát cầu huê; huyện Phú Thiện tổ chức Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui; huyện Ia Grai tổ chức Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô, huyện Chưprông tổ chức Ngày hội hoa Muồng vàng năm 2019. Đồng thời, các địa phương đã duy trì các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, kết nối các điểm du lịch kết hợp với các công trình về kinh tế, chính trị như: Đồi chè Biển Hồ, Hồ Ayun Hạ; thác Phú Cường; thác Hang Dơi (huyện Kbang), Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, Quảng trường Đại Đoàn Kết, thủy điện Ia Ly, Công viên Đồng Xanh. Việc phát triển du lịch cộng đồng được chú trọng, dần hình thành mô hình du lịch cộng đồng tại làng Ốp (Pleiku), Làng Stơr (huyện Kbang), làng Vai Viêng (huyện Mang Yang), làng K’Giang, Kon Lơng Khơng (huyện Kbang), làng Ia Nueng (Biển Hồ-Pleiku).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay các sự kiện tổ chức của các địa phương chủ yếu tập trung về hoạt động văn hóa, thể thao nhưng chưa gắn với các hoạt động khai thác du lịch một cách phong phú, hấp dẫn. Các điểm tham quan đang khai thác chưa được làm mới, đầu tư chỉnh trang còn nhỏ lẻ, một số hạng mục xuống cấp. Công tác triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển du lịch còn chậm, các địa phương chưa chủ động trong việc chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để triển khai các dự án nên ảnh hưởng đến tiến độ. Việc mời gọi các doanh nghiệp du lịch hàng đầu mở chi nhánh tại địa phương còn hạn chế, trong khi đó, các doanh nghiệp làm du lịch trong tỉnh chưa có chi nhánh tại các thành phố lớn để tạo động lực thúc đẩy cơ hội kinh doanh và thu hút khách du lịch. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành còn thiếu và yếu nên hạn chế trong việc kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch nói chung cũng như liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Những hạn chế đó xuất phát từ một số lý do như: Một là, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thật sự đồng bộ trong việc hỗ trợ xây dựng chính sách ưu đãi, cơ chế thuận lợi tạo điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt thu hút nhà đầu tư lớn để tạo đòn bẩy cho hoạt động du lịch phát triển. Hai là, công tác hoàn thiện, chỉnh trang các điểm du lịch đang khai thác còn chậm, một số dự án khu du lịch kéo dài giai đoạn đầu tư so với quy định, chưa hình thành điểm, khu du lịch hấp dẫn thu hút du khách. Do năng lực của các doanh nghiệp du lịch đang quản lý, khai thác các điểm này còn yếu về nguồn vốn và tư duy quản lý, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.

Ba là, các sự kiện văn hoá, du lịch của các địa phương quy mô nhỏ, thiếu tính chuyên nghiệp nên ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động du lịch, chủ yếu phục vụ khách địa phương, chưa thật sự hấp dẫn khách du lịch. Bốn là, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên đầu tư cho hoạt động du lịch còn dàn trải, nhỏ lẻ. Các dự án hạ tầng phần lớn là đường giao thông vào các điểm du lịch, công tác triển khai hồ sơ pháp lý còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện đầu tư hạ tầng. Kinh phí đầu tư cho hoạt động quảng bá du lịch quá ít so với yêu cầu. Năm là, năng lực của doanh nghiệp du lịch của tỉnh còn hạn chế về nguồn vốn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa đủ tầm để khai thác các thị trường lớn và đầu tư cho hoạt động du lịch.       

Do đó, để có thể phát triển du lịch của tỉnh, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần ưu tiên vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công. Đồng thời các địa phương chủ động trong việc triển khai các thủ tục trong công tác đầu tư hạ tầng du lịch, lựa chọn nhà thầu, doanh nghiệp đủ năng lực tránh tình trạng kéo dài dự án.

Thứ hai, nâng cao lượng khách du lịch thông qua đẩy mạnh công tác cập nhật, trao đổi thông tin, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, tổ chức các hội nghị, hội thảo, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tính chuyên nghiệp. Vì vậy, cần tiếp tục thu hút đầu tư vào các dự án du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đẩy nhanh tiến độ; hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Thứ ba, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương trong vùng; chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đặc thù ở tỉnh nhà như du lịch nghiên cứu khám phá rừng (Mang Yang, Kbang), khám phá thiên nhiên, du lịch trải nghiệm văn hóa - sinh thái; đảm bảo nội dung đa dạng, phong phú nhằm tạo sự hấp dẫn cho điểm đến du lịch hiện nay như núi lửa Chư Đăng Ya v.v,  đặc biệt từng bước hình thành mô hình du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập cho đồng bào khó khăn, tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch hoạt động có hiệu quả trong thực tế.

Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch như tiếp tục triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, đặc biệt là lực lượng hướng dẫn viên tại chỗ có kiến thức, am hiểu về phong tục tập quán và biết tiếng dân tộc của đồng bào để phục vụ du khách.

Thứ năm, phát triển du lịch Gia Lai phải đảm bảo hiệu quả kinh tế và phát triển văn hóa xã hội; có cơ chế bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường văn hóa, khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm cùng hưởng lợi, cùng chia sẻ lợi ích từ các bên tham gia để đảm bảo xây dựng, bảo tồn và phục hồi các giá trị về môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa và phát triển du lịch xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân trên địa bàn về thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự, góp phần tạo môi trường thân thiện của các điểm đến.

Ngô Thị Thu Hồng
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Nguồn: Vietnam Business Forum