Trong giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Bình đã huy động đạt trên 93.000 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương, ODA, ngân sách địa phương, doanh nghiệp, vốn của người dân. Vốn đầu tư công được sử dụng ngày càng hiệu quả, từng bước khắc phục dàn trải, tập trung vào các công trình quan trọng, thiết yếu như giao thông, thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến các dự án cơ sở hạ tầng lớn tạo bước đột phá như: Sân bay, hạ tầng khu kinh tế - công nghiệp, các tuyến giao thông, cấp nước, điện, bưu chính viễn thông... Sự phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và cũng chính là sự chuẩn bị sẵn sàng để Quảng Bình đẩy mạnh thu hút đầu tư trong những năm tới.
Mở đường rộng, xây cầu lớn sẵn sàng kết nối
Nỗ lực mở đường rộng, xây cầu lớn nhằm phát triển kết cấu hệ thống giao thông đồng bộ hiện đại là dấu ấn nổi bật của Ngành GTVT Quảng Bình đã để lại trong 5 năm 2016-2020. Với sự chủ động, tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kết hạ tầng giao thông ngày càng động bộ và hiện đại. Đến nay, Quảng Bình đã thực hiện nhiều dự trọng điểm, tạo đà phát triển KT-XH như: Các dự án mở rộng Quốc lộ 1, cầu Nhật Lệ 2, đường tỉnh 565, đường Mai Thuỷ-An Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ)… Điều quan trọng là Ngành GTVT tỉnh nhà đã tiến bộ vượt bậc về năng lực thi công, có thể đảm nhiệm triển khai nhiều công trình quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ cao, nhất là việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ xây dựng cầu treo và cầu dây văng nhịp lớn có kết cấu và công nghệ xây dựng hiện đại như cầu Nhật Lệ 2 -
Bên cạnh các tuyến huyết mạch tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung, tỉnh cũng quan tâm đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường đô thị tại thành phố Đồng Hới như: Đường Hữu Nghị, Tố Hữu, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng,... đồng thời lắp đặt các cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các vị trí giao cắt trên địa bàn các thị trấn, thị xã, thành phố.
Quảng Bình còn thực hiện nhiều giải pháp huy động tối đa các nguồn lực phát triển hệ thống giao thông nông thôn; tiến hành sửa chữa định kỳ, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến Quốc lộ 9B, 12A, 15 và các tuyến đường tỉnh, đồng thời phối hợp với Bộ GTVT để thực hiện dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (Dự án LRAMP) với quy mô bao gồm 11 tuyến đường dài 55km và 22 cầu dân sinh với chiều dài 1.723m; bảo dưỡng 3.086km đường huyện…
Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thực hiện để sớm đưa vào sử dụng như: Hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông (gồm tuyến chính dài 3,7 km, 04 tuyến kết nối dài 17,4 km và 04 tuyến nội thành dài 3,9km); đề xuất bổ sung đầu tư xây dựng, nâng cấp các cầu, cống có hoạt tải dưới 30 tấn để đảm bảo khai thác đồng bộ mạng các tuyến đường tỉnh (Cầu Đức Nghĩa trên đường tỉnh 570B, cầu Mỹ Cương trên Đường tỉnh 567B…).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn làm việc với các bộ, ngành Trung ương để đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường quan trọng như: Cao tốc Bắc - Nam (phía Đông đoạn qua tỉnh Quảng Bình); xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 9B đoạn Quán Hàu - Vĩnh Tuy và Ngã ba Vạn Ninh - Ngã ba Tăng Ký; Quốc lộ 12A đoạn tránh thị xã Ba Đồn;..
Vớ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, qua 5 qua, Quảng Bình đã xây dựng mới, nâng cấp 1.989km đường bộ; xây mới 78 cầu với tổng chiều dài 3.976m; 2.663 cống với chiều dài 15.584m; 16 tràn với chiều dài 559m. Cho đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 9.377km đường bộ gồm 905 km quốc lộ, 490 km đường đô thị, 763 km đường huyện, 2.114 km đường xã, 4.680 km đường thôn, xóm và nội đồng cùng 54 km đường chuyên dùng. Hiện 100% số xã đã có đường ô tô về đến trung tâm xã; đã có 95/128 xã đạt Tiêu chí 2 về giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ hơn
Cùng với những đổi mới mạnh mẽ về giao thông vận tải, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn cũng được đầu tư và đạt được nhiều kết quả đáng kể.
Điện lưới phát triển khá đồng bộ giữa nguồn và mạng do bên cạnh việc đầu tư mới, Ngành điện còn quan tâm đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống lưới cao thế, các trạm phân phối để mở rộng phạm vi cấp điện, đáp ứng nhu cầu cấp điện đến nơi sử dụng điện. Đến năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% số xã có điện, trong đó 98,53% xã, phường, thị trấn có điện lưới Quốc gia, 99,8% hộ dân sử dụng điện.
Hệ thống hạ tầng, dịch vụ viễn thông, Internet băng thông rộng phát triển mạnh mẽ, hiện đại đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân và góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi, xây dựng và phát triển chính quyền điện tử. Mạng diện rộng (WAN) của tỉnh được triển khai trên nền tảng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và 28% UBND cấp xã.
Các cơ sở giáo dục - đào tạo tiếp tục được tập trung đầu tư; hệ thống trường, lớp, quy mô giáo dục tiếp tục ổn định và được mở rộng phát triển, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được tăng thêm, từng bước hiện đại. Tỷ lệ phòng học văn hóa được kiên cố hóa đạt 83%; tỷ lệ kiên cố hóa phòng học bộ môn đạt 86%; tỷ lệ kiên cố hóa các phòng chức năng, thư viện, thiết bị, thí nghiệm thực hành đạt 78%... góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trong 05 năm, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đến nay, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, hệ thống các phòng thí nghiệm, phân tích, kiểm nghiệm chất lượng, kiểm định, hiệu chuẩn đo lường đã được đầu tư khá đầy đủ và cơ bản đáp ứng khoảng 80% yêu cầu công tác quản lý, nhu cầu sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng lĩnh vực y tế từng bước được cải thiện. Ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - CuBa - Đồng Hới đã được Bộ Y tế đầu tư, nâng cấp về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, đóng vai trò bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh. Ở tuyến y tế cơ sở, các bệnh viện/ trung tâm y tế được đầu tư cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt đã đầu tư các công trình xử lý rác thải, nước thải, góp phần bảo vệ môi trường; nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp. 159/159 trạm y tế có trụ sở làm việc, 145/159 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia (91,2%). Số giường bệnh viện đạt mức là 21 giường bệnh viện/vạn dân.
Thời gian qua, ngành Du lịch tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đặc biệt đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở lưu trú để nâng cao chất lượng dịch vụ và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Hiện toàn tỉnh có 350 cơ sở lưu trú với 5.100 buồng (10.000 giường), trong đó 84 khách sạn, khu du lịch được xếp hạng từ 01 - 05 sao; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, (21 nhà hàng được cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch). Hiện có nhiều dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch tập trung vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, như: Quần thể Resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC, Dự án Đầu tư Khu du lịch và Dịch vụ Sunrise Bảo Ninh của Tập đoàn Trường Thịnh, Dự án TMS Resort của Công ty Toàn Cầu TMS…
Hệ thống hạ tầng đô thị được mở rộng, chỉnh trang theo quy hoạch được phê duyệt, bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc; đã thực hiện nâng cấp thành phố Đồng Hới đạt đô thị loại II; thị xã Ba Đồn, Hoàn Lão, Kiến Giang đạt đô thị loại IV. Nhiều khu dân cư, khu đô thị mới hình thành với hạ tầng đồng bộ, đem lại bộ mặt đô thị khang trang, sạch đẹp, tạo quỹ nhà ở, đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hạ tầng thương mại và dịch vụ đã hình thành hệ thống kênh phân phối, bán lẻ đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt từ thành thị đến nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, xác định tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN), các khu chức năng trong KKT, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và ưu tiên đầu tư một số hạng mục công trình thiết yếu, tranh thủ nguồn vốn ngân sách Trung ương để tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các KCN; một số trục đường chính trong KKT Hòn La và hạ tầng kỹ thuật KKT Cửa khẩu Quốc tế Cha Lo. Hệ thống hạ tầng KCN, KKT được đầu tư xây dựng phù hợp mục tiêu phát triển, đảm bảo các chỉ tiêu quy hoạch được phê duyệt. Bước đầu hình thành mạng lưới các công trình hạ tầng quan trọng như đường giao thông, cảng biển, cấp nước, cấp điện, thoát nước, xử lý nước thả...; đây là những hạng mục quan trọng nhằm tạo điều kiện và động lực cho phát triển các KCN, KKT.
Nỗ lực cho mục tiêu mới
Tuy được quan tâm đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp, nguồn vốn còn hạn chế so với nhu cầu, chưa đủ điều kiện để đầu tư tập trung nên hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhìn chung còn kém so với cả nước cả về tính hệ thống, chất lượng, hiện đại, trang thiết bị, quản lý, vận hành...
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại đạt cấp, bậc kỹ thuật làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển; tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh, bền vững.
Quảng Bình phấn đấu huy động khoảng 135 - 150 nghìn tỷ đồng đầu tư toàn xã hội; trong đó vốn đầu tư các doanh nghiệp ngoài chiếm 80%, vốn đầu tư từ ngân sách chiếm 20%; bảo đảm kết nối các vùng, địa phương trong tỉnh và đầu mối giao thông ngoài tỉnh, cả nước đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn; tưới, tiêu chủ động cho diện tích lúa hai vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thủy sản tập trung; chủ động phòng tránh lũ, bão, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng; xây dựng hạ tầng năng lượng điện; công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong KCN, KKT, từng bước hoàn thiện hạng mục cơ bản hạ tầng kỹ thuật KCN, KKT nhằm đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh cũng từng bước đầu tư các trung tâm du lịch, hệ thống dịch vụ, phục vụ sản xuất kinh doanh; hệ thống thông tin truyền thông, dịch vụ tín dụng điện tử tiện ích; nâng cấp cơ sở vật chất một số cơ sở giáo dục, đào tạo nghề trọng điểm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở y tế khám chữa bệnh chất lượng cao.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình sẽ tăng cường công tác quy hoạch; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường công tác phối hợp liên ngành, giữa các địa phương về thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá đầu tư trong kết cấu hạ tầng; đổi mới mô hình tổ chức xây dựng, khai thác quản lý và vận hành dự án... Tin tưởng trong thời gian tới với sự quan tâm của các Bộ ngành Trung ương cùng sự quyết tâm nỗ lực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn, Quảng Bình sẽ tiếp tục đạt những kết quả mới trong việc huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ tốt nhu cầu của nhà đầu tư.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI