Là tỉnh miền núi phía Đông Bắc Việt Nam, tỉnh Lạng Sơn có bề dày văn hóa, lịch sử với nhiều di tích, tín ngưỡng, tâm linh, danh lam thắng cảnh hữu tình, nhiều lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú. Để phát huy những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch là một trong những lĩnh vực được tỉnh Lạng Sơn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chủ trương chính sách nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Cột cờ Phai Vệ – Điểm ngắm toàn cảnh thành phố Lạng Sơn
Những năm qua, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, nâng cấp các khu, điểm du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng du lịch và phát triển các tuyến, điểm du lịch. Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư vào du lịch từ nhiều thành phần kinh tế. Hiện nay, tỉnh đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao như Khu tổ hợp thương mại và dịch vụ Mega Apec Center tại thành phố Lạng Sơn; khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí Hồ Lẩu Xá thuộc xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn và xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc; dự án đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí và trung tâm thể dục thể thao ở huyện Chi Lăng... Từng bước đầu tư Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Bắc Sơn và các khu, điểm di tích lịch sử - văn hoá tại thành phố Lạng Sơn, huyện Chi Lăng, huyện Bắc Sơn gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật như: Du lịch biên giới, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh, du lịch cảnh quan, nghỉ dưỡng,…
Đặc biệt, Khu du lịch Mẫu Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040, tỉnh đang tập trung phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước. Dự án nơi “Bồng Lai tiên cảnh” này được xem là đầu tàu kéo ngành du lịch của tỉnh phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tỉnh Lạng Sơn đón 2,6 triệu lượt khách du lịch vào năm 2017, đón 2,8 triệu lượt khách vào năm 2018 và đến năm 2020 thì đạt trên 3 triệu lượt với doanh thu 1.325 tỷ đồng. |
Bước vào giai đoạn phát triển mới, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, thu hút trên 4,4 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt trên 5.200 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 – 5 sao; có trên 15.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp. Có 01 khu du lịch quốc gia (Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn); 02 – 04 khu du lịch cấp tỉnh, 08 – 10 điểm du lịch và 04 – 06 điểm du lịch cộng đồng.
Để làm được điều này, ngành du lịch Lạng Sơn tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để chuẩn bị sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới tạo bước đột phá cho du lịch Lạng Sơn. Trong đó, tập trung tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030; xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch; quan tâm công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch; huy động các nguồn lực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật du lịch theo hướng đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch.
Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm và thị trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng… đi đôi với tái đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững…
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI