LÀO CAI

Huyện Bắc Hà: Tạo đột phá từ nông nghiệp và du lịch

08:25:50 | 16/8/2021

Bắc Hà có địa hình chủ yếu là cao nguyên, khí hậu trong lành, thích hợp để phát triển các vùng cây lâm nghiệp, dược liệu và chăn nuôi đại gia súc; những khu rừng diện tích lớn, địa hình quanh co, hồ đập đan xen là tiềm năng của loại hình du lịch sinh thái và mạo hiểm… Những yếu tố này là cơ sở để Bắc Hà vươn lên tạọ đột phá phát triển kinh tế - xã hội từ nông nghiệp và du lịch. “Điều quan trọng nhất là phải thu hút được các cơ sở chế biến gắn với tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; huy động được đông đảo người dân tham gia vào hoạt động du lịch và tạo được sản phẩm đặc trưng địa phương” - Ông Đinh Văn Đăng, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà  nhấn mạnh.

Bằng quyết tâm mạnh mẽ, Bắc Hà đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo với nhiều mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 khá cao, ông đánh giá sao về quyết tâm này?

Trong giai đoạn 2016-2020, Bắc Hà đã nỗ lực phấn đấu và giành nhiều kết quả quan trọng: Tăng trưởng GRDP 12%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, giá trị sản xuất ha canh tác đạt 55 triệu đồng, GRDP/người đạt 34,45 triệu đồng… Đây là những nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục đẩy mạnh công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên đảm bảo ổn định đời sống bền vững. Việc đặt quyết tâm “Phấn đấu đến năm 2025 đưa Bắc Hà ra khỏi huyện nghèo” nhằm huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc thực hiện quyết liệt các mục tiêu về giảm nghèo; đưa Bắc Hà ra khỏi danh sách các huyện nghèo vào năm 2025 và trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Lào Cai.

Để thực hiện mục tiêu trên, huyện đã đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, nổi bật là các giải pháp phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bình quân trên 8%/năm, đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 9,53% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025); nâng mức thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người vào năm 2025; phấn đấu có 14/18 xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới, giảm số xã đặc biệt khó khăn còn dưới 25%... Tin tưởng rằng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân trên địa bàn, Bắc Hà sẽ sớm thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

Thực hiện khâu đột phá về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới, chính quyền huyện đang có các giải pháp, hoạt động nào?

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đã ban hành 02 đề án, 01 kế hoạch trọng tâm nhằm tạo sự bứt phá phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ đó, UBND huyện tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, như:

1. Khai thác tốt lợi thế đất đai, khí hậu, tập trung phát triển sản phẩm lợi thế; trong đó, ưu tiên các loại cây: Quế, cây ăn quả ôn đới, dược liệu, chè, rau an toàn, lúa đặc sản, gia súc, gia cầm địa phương… và đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, tìm và nhân rộng các loại cây, con giá trị kinh tế cao (dâu tằm, sả Java, ngô ngọt,...)…

2. Tăng cường liên kết, thu hút các nhà máy, cơ sở chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản, như: Dược liệu, quế, rau - quả ôn đới; chè Ô Long và các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung... Trước mắt, tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng Nhà máy chiết xuất tinh dầu sả (xã Cốc Ly) và Nhà máy chế biến ngô ngọt đóng hộp (xã Bảo Nhai). Đổi mới các hình thức tổ chức, phát triển trang trại, gia trại và các mô hình hợp tác trong nông nghiệp.

3. Triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 - 2025; sử dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu Quốc gia, chính sách hỗ trợ phát triển.

4. Đẩy mạnh Chương trình mỗi xã một sản phẩm, phát triển mới các tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc trưng, thế mạnh hiện có; mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có tối thiểu 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP.

5. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung các nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia; xây dựng các thôn nông thôn mới, thôn kiểu mẫu tạo điểm nhấn, nhân rộng mô hình làm hay, sáng tạo…

Bắc Hà cũng đang nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn để trở thành khu du lịch đặc sắc của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Ông có chia sẻ thế nào về hướng đi này? 
Bắc Hà đang tập trung đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khâu đột phá phát triển kinh tế những năm tới. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 10%, năm 2030 có trên 30% số hộ tại các xã trong vùng quy hoạch du lịch tham gia hoạt động kinh doanh du lịch cộng đồng; đến năm 2025, đưa Bắc Hà trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn, thân thiện, văn minh của tỉnh và đến 2030 trở thành khu du lịch, điểm đến hấp dẫn thuộc miền núi phía Bắc.

Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Bắc Hà đã ban hành Đề án số 05/ĐA/HU ngày 31/12/2020 về phát triển văn hóa du lịch huyện Bắc Hà giai đoạn 2020-2025. Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị trên địa bàn vào cuộc, nhất là huy động được sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ, phát triển tài nguyên du lịch và xây dựng môi trường xã hội thân thiện đối với du khách. Đồng thời thu hút các doanh nghiệp có năng lực, trách nhiệm đầu tư hạ tầng các khu, điểm du lịch. Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đồng thời tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến, thị trường khách và sản phẩm du lịch đáp ứng tiêu chuẩn du lịch bền vững. 

Hiện huyện đang tập trung các giải pháp, dự án lớn: Xây dựng bức phù điêu nhận diện thương hiệu du lịch Bắc Hà; triển khai thực hiện và hoàn thành các dự án cải tạo lại Hồ Na Cồ, khu vui chơi công viên Hồ Na Cồ, tổ hợp khu tâm linh trên núi Ba mẹ con, Khu nhà ở kết hợp làng văn hóa du lịch phía Nam Hồ Na Cồ tại thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, chợ văn hóa huyện Bắc Hà;… Huyện cũng đẩy mạnh việc sưu tầm, phục dựng các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Gầu tào, Lễ Cúng rừng,… và thành lập các đội biểu diễn các loại hình nghệ thuật đặc trưng của đồng bào bản địa: Múa khèn dân tộc H' Mông; hát dân ca dân tộc Dao; Múa xòe dân tộc Tày;… Bắc Hà còn quy hoạch, tạo mặt bằng sạch nhằm thu hút các dự án nhà hàng, khách sạn cao cấp tại trung tâm thị trấn, các điểm du lịch tại các xã phụ cận, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá nhằm giới thiệu Bắc Hà đến du khách..

Ông có chia sẻ điều gì hoặc chuyển tải cam kết nào của huyện đối với doanh nghiệp đã, đang và sẽ đến với Bắc Hà?

Huyện sẽ rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy trình lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch, đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả; đồng thời nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch đô thị với tầm nhìn dài hạn, có tính toán nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn; ưu tiên xã hội hóa công tác lập quy hoạch. Bắc Hà cũng dành quỹ đất để kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác hiệu quả các chợ; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường,..

Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện sẽ khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững kết hợp du lịch nhằm tạo ra những đổi mới mang tính đột phá nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về du lịch thông minh cũng như khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, tiếp cận du lịch thông minh. 

Ngoài ra, huyện sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, triển khai dự án; nhất là về thủ tục hành chính và giải phóng mặt bằng… để các dự án đầu tư tại Bắc Hà phát huy hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và sự phát triển chung của huyện.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum