Năm 2001, Tổng công ty cổ phần Linh Dương được thành lập với định hướng phát triển xanh, bền vững dựa trên những thế mạnh của địa phương. Có thể nói, chặng đường 20 năm của Tổng công ty cổ phần Linh Dương gắn liền với chặng đường phát triển của tỉnh Lào Cai. Trên hành trình ấy, trải qua rất nhiều gian khó, thăng trầm song với sự chèo lái tài tình của “thuyền trưởng” Nguyễn Thị Thanh Tâm - Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần Linh Dương đã xây dựng nên thương hiệu “Tâm Trà” được nhiều thị trường trong nước và quốc tế đón nhận.
Câu chuyện khởi nghiệp bằng nỗ lực và ý chí
Nhận thấy Lào Cai nằm trong vùng khí hậu thổ nhưỡng Hoàng Liên Sơn, nơi đây quanh năm mát mẻ, đất đai phì nhiêu màu mỡ với những địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… cuốn hút lòng người. Lào Cai còn là cái nôi của nhiều loại nông sản với hương vị độc đáo và đầy bản sắc như rượu Sán Nùng, rượu ngô Bắc Hà, các loại rau ôn đới, trà Tuyết và trà Bát Tiên ngon nổi tiếng… Chính những điều này đã thôi thúc doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Tâm chọn Lào Cai làm nơi khởi nghiệp với quyết tâm tạo ra được những sản phẩm đặc sản gắn với bản sắc văn hóa.
Khởi nghiệp những ngày đầu bằng buôn bán nông sản, sau nhiều năm lăn lộn thương trường, năm 2000, khi đã có số vốn khoảng 1,5 tỷ đồng, chị quyết định thành lập công ty, xây dựng nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu. Để làm được điều này đích thân chị đã đi vào các bản vùng sâu vùng xa lựa chọn vùng đất, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, âm thầm một mình vạch ra đường hướng thực hiện.
Thời điểm xây dựng nhà máy cũng chính là lúc nền kinh tế xảy ra lạm phát cao. Đã có lúc chị nghĩ đến việc dừng lại, bởi số vốn dự tính xây dựng nhà máy chỉ gần 20 tỷ đồng, nhưng trong tình hình lạm phát, giá cả tăng, con số này lên tới 38-40 tỷ đồng. Tưởng như không thể vượt qua được giai đoạn này nhưng cuối cùng chị cũng xây dựng xong nhà máy. Đến khi làm được vùng nguyên liệu rồi, chị lại phải gồng mình “chiến đấu” với sản phẩm mới trong khi bao câu hỏi đặt ra: Sản phẩm Ô Long là gì, bán ở đâu, các loại sản phẩm khác thế nào, dây chuyền sản xuất, công nghệ thế nào, thị trường đầu ra cho sản phẩm… Đến năm 2001, được tỉnh Lào Cai giao thử nghiệm 22 ha đất ở huyện Bát Xát - nơi chưa có tiền lệ trồng chè, nhưng nhận thấy đất nơi này tốt và rộng, chị đi chọn giống, chính tay chị ươm từng cái bầu, thuyết phục từng hộ dân trồng chè. “Vạn sự khởi đầu nan”, trải qua bao nhiêu đắng cay, những khoảnh khắc tưởng chừng không vượt qua được, nhưng cuối cùng, đến năm 2001, chị đã thành lập Công ty TNHH Linh Dương và đến 2008 khi đã vững mạnh, chị chuyển đổi lên Tổng Công ty cổ phần Linh Dương.
Khẳng định thương hiệu
Hiện nay Linh Dương tự hào là doanh nghiệp chè có vùng nguyên liệu riêng, rộng lớn lên tới hàng ngàn ha trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Hiện trên 500 ha đang cho thu hoạch, với 100 ha chè Ô Long đạt sản lượng hơn 1.000 tấn/năm. Vùng chè Mường Hum 200 ha cho sản lượng gần 1.000 tấn/năm. Đặc biệt vùng Tả Phời, Hợp Thành, vùng trà Linh Sơn 300 ha ngay tại thành phố Lào Cai có 45 ha chè ô Long cho sản lượng 500 tấn/năm. Đặc biệt đây không chỉ là vùng nguyên liệu mà còn có ưu thế để phát triển “Du lịch sinh thái và văn hóa trà”. Nhà máy chè công nghệ cao Linh Dương tọa lạc trong khu công nghiệp rộng 1,5 ha với dây chuyền, thiết bị chế biến chè Ô long, chè xanh tiên tiến nhập khẩu từ Đài Loan và dây chuyền chế biến chè đen CTC hiện đại từ Ấn Độ.
Linh Dương là đơn vị đầu tiên của tỉnh mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chè công nghệ cao với công suất chế biến 12 tấn chè búp tươi/ngày, sử dụng 2 dây chuyền chế biến chè xanh Shan Tuyết công nghệ Trung Quốc và chè Ô Long công nghệ Đài Loan trị giá 19 tỷ đồng. Để đáp ứng công suất của nhà máy (4 tấn chè thành phẩm/ngày), Công ty đã mở rộng vùng nguyên liệu chè Shan Tuyết và Ô Long tại một số xã, phường của thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát. Hầu hết diện tích chè nguyên liệu của Linh Dương được trồng ở độ cao 1.500 – 1.800m so với mực nước biển, lại được thiên nhiên ban tặng khí hậu ôn hoà, mát mẻ, mỏ quặng apatít nằm dưới lòng đất cũng góp phần làm tăng dinh dưỡng cho đất nên những đồi chè nơi đây quanh năm xanh tốt, lượng búp thu hái được nhiều hơn hẳn so với các địa phương khác.
Hiện nay mạng lưới phân phối trong nước của Linh Dương đã có mặt tại các siêu thị, cơ quan hành chính, cửa hàng… rộng khắp các địa bàn như Hải Phòng, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh… Linh Dương cũng đã thành lập các văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để tiếp tục mở rộng thị trường ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Đối với thị trường quốc tế, Linh Dương đã xuất khẩu sang một số thị trường như Nga, Mỹ, Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất …
Đặc biệt, với ý tưởng đầu tư điện mặt trời cho Tâm Trà nhằm có sản phẩm trà 4 sạch bắt đầu được khởi động năm 2014, trong mối liên kết triển khai ứng dụng với các địa phương của Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam và UBND tỉnh Lào Cai, từ đó Viện Vật lý TP.Hồ Chí Minh (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) đã liên kết với Sở Công Thương Lào Cai hiện thực hóa giấc mơ: Đưa công nghệ điện mặt trời nối lưới quy mô công nghiệp vào ứng dụng tại nhà máy chế biến chè công nghệ cao Tâm Trà thuộc Tổng Công ty cổ phần Linh Dương, tỉnh Lào Cai. Ngày 8/6/2015, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm nhấn nút đóng điện mặt trời hòa vào lưới điện quốc gia tại Nhà máy chế biến chè công nghệ cao Tâm Trà. Và kể từ đó đến nay, hệ thống hoạt động ổn định, đem lại rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế cũng như hiện thực hóa giấc mơ sản phẩm trà 4 sạch của Tổng công ty cổ phần Linh Dương.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Hiện nay, nhận thấy diễn biến dịch Covid-19 hết sức căng thẳng, nhu cầu về nước sạch, thuốc khử khuẩn ngày càng cao, chính vì vậy, trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu cũng như chung tay đẩy lùi dịch bệnh, Tổng Công ty cổ phần Linh Dương phối hợp với một số đối tác từ Hàn Quốc xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch, thuốc khử khuẩn đáp ứng nhu cầu người dân hiện nay”.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI