Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Thái Bình những năm qua đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng KH&CN sâu rộng trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Hoạt động KH&CN đã khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, luôn bám sát những yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về KH&CN
Ông Trịnh Quang Hiệp, Giám đốc Sở KH&CN Thái Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX cùng với sự hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ KH&CN, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành…, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN đã nỗ lực tạo nên nhiều thành quả nổi bật, đóng góp đáng kể vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trên cơ sở các chương trình được phê duyệt và văn bản các cấp chỉ đạo về công tác KH&CN, Sở đã tập trung xây dựng các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn tỉnh; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các phòng chuyên môn thuộc Sở bám sát các nhiệm vụ được giao, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ kịp thời. Cụ thể, Sở đã phối hợp Sở Tài chính tham mưu Quyết định số 3798/QĐ-UBND, tham mưu phê duyệt danh mục 33 đề tài KH&CN cấp tỉnh, tham mưu cho Ban chỉ đạo ISO tỉnh ban hành Kế hoạch 111/KH-BCĐ… Ngoài ra, Sở KH&CN đã ban hành trên 1200 văn bản đi, tiếp nhận và xử lý trên 5.600 văn bản đến; tham gia góp ý cho trên 40 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các đề án phát triển ngành, lĩnh vực của Trung ương và địa phuơng.
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Trong năm 2020, toàn tỉnh đã triển khai được 66 nhiệm vụ KH&CN trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh… Các nhiệm vụ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và đạt được một số kết quả quan trọng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã tiến hành khảo nghiệm, tuyển chọn trên 200 giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, có triển vọng và dự kiến đưa vào sản xuất như: Giống lúa TH6-6; Phúc Thái 168; giống cây mới khoai tây Hà Lan, lạc CNC… Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn thành công với sản phẩm chất lượng tốt, đủ tiêu chuẩn theo hướng VietGAP…
Trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản, đã nghiên cứu thành công giống và nuôi thương phẩm cá chuối hoa cho hiệu quả kinh tế cao; bảo tồn lưu giữ nguồn gen ngao dầu; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò… Tỉnh cũng đang triển khai một số mô hình trong chăn nuôi lợn thương phẩm; mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phù hợp để xử lý môi trường trong chăn nuôi trâu, bò thương phẩm; mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ sinh sản và nuôi con theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Thái Đô… Các mô hình bước đầu đã đạt được kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường nông thôn.
Ngoài ra, ngành KH&CN tỉnh còn nghiên cứu, phát triển công nghệ mới áp dụng vào đời sống và sản xuất như: Đề tài nghiên cứu giải pháp công nghệ và thiết kế, chế tạo hệ thống giám sát trạm biến áp phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ phát triển - kinh tế xã hội; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tự động kiểm soát chất lượng nguồn nước để nâng cao năng suất, chất lượng nuôi tôm thẻ chân trắng; Nghiên cứu tiềm năng nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên khu vực Duyên Hải – Hưng Hà… Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh Thái Bình; ứng dụng công nghệ thông tin tạo lập, xây dựng cơ sở dữ liệu trồng trọt và bảo vệ thực vật để theo dõi, giám sát sinh trưởng, phát triển của cây trồng và dịch hại trên địa bàn tỉnh.
Công tác nghiên cứu KH&CN còn được quan tâm trong lĩnh vực y tế mang lại hiệu quả tích cực cho hoạt động khám và điều trị bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Về hoạt động nghiên cứu bảo vệ môi trường, tiêu biểu có ứng dụng chế phẩm vi sinh trong xử lý môi trường nước thải, môi trường nuôi gia súc, gia cầm phát huy khá hiệu quả trong thực tiễn sản xuất của Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt. Sản phẩm được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hữu cơ đạt tiêu chuẩn lưu hành tại Việt Nam, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, tạo nguồn thu từ việc xử lý rác thải.
Có thể nói các hoạt động KH&CN đã phát triển đúng định hướng, từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Đặc biệt các hoạt động này hướng về doanh nghiệp, khu vực tư nhân, nhất là trong nông nghiệp, y dược, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trọng điểm. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN đã góp phần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh hàng hóa tại địa phương, bảo vệ quyền và lợi ích cho doanh nghiệp.
Chia sẻ về chiến lược phát triển của ngành trong thời gian tới, ông Trịnh Quang Hiệp nhấn mạnh: Đại hội Đảng bộ lần thứ XX xác định KH&CN là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Sở tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp là trung tâm, khuyến khích liên kết với viện, trường để đưa nhanh kết quả nghiên cứu vào phục vụ sản xuất kinh doanh. Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tích cực đầu tư cho hoạt động KH&CN. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Đề án phát triển KH&CN tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng tới năm 2030.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI