Phát huy truyền thống đi đầu trong sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Thái Bình đang thực hiện nhiều chương trình, đề án nhằm tạo bứt phá mạnh mẽ. Ông Đinh Vĩnh Thụy - Giám đốc NN&PTNT tỉnh Thái Bình đã chia sẻ về những nỗ lực này.
Ông có thể cho biết một số chỉ tiêu phát triển nổi bật của ngành trong 9 tháng đầu năm 2021?
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 19.963 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nổi bật, cây lúa chuyển dịch mạnh sang gieo cấy giống mới chất lượng cao, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với tổng diện tích 153.200ha, tăng 2,1% so kế hoạch.
Toàn tỉnh hiện có 2.390 trang trại chăn nuôi đạt quy mô theo Luật Chăn nuôi, trong đó quy mô nhỏ 1.871 trang trại (78,28%), vừa 466 trang trại (19,5%); lớn 53 trang trại (2,22%) và 250.000 hộ chăn nuôi.
Thủy sản phát triển toàn diện cả nuôi trồng, khai thác và chế biến với sản lượng 199.120 tấn/9 tháng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Số tàu thuyền khai thác xa bờ ngày càng tăng, trong đó có 175/187 tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện IUU.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được đẩy mạnh, UBND tỉnh đã công nhận 17 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Thái Bình hiện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Hiện tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận “Tỉnh Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020”.
Để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, ngành đã có biện pháp gì để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ nông sản?
Đại dịch Covid -19 đã tác động trực tiếp đến ngành: sức tiêu dùng giảm, lưu thông hàng hóa khó khăn, giá đầu vào sản xuất tăng cao trong khi giá một số mặt hàng như lợn thịt, gà... giảm mạnh.
Trước thực trạng đó, ngành tiếp tục triển khai nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp giữ vững mối liên kết với các hộ nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với một số dự án lớn, ngành đã chủ động hợp tác, tạo điều kiện tối đa để sớm triển khai theo tiến độ. Ngành cũng tập trung xây dựng các mô hình liên kết, quy hoạch vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Thái Bình.
Định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh những năm tới là gì, thưa ông?
Những năm tới, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào 5 hướng đột phá, gồm:
1. Phát triển sản xuất nông nghiệp giá trị cao phù hợp với các vùng sinh thái.
2. Xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
3. Xây dựng khu, cụm công nghiệp phục vụ nông nghiệp.
4. Đào tạo nhân lực quản trị, lao động tay nghề cao làm nông nghiệp và phi nông nghiệp.
5. Phát triển hoạt động du lịch gắn với tiềm năng nông nghiệp, nông thôn (du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh và di tích lịch sử).
Sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thái Bình đã đạt được những kết quả nào?
Tỉnh đã đạt các kết quả nổi bật như sau:
-Tăng trưởng giá trị sản xuất khá, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 2,5%/năm.
- Đã hình thành các mô hình tập trung đất đai để sản xuất hàng hoá quy mô lớn gắn với tiêu thụ nông sản.
- Thu hút một số doanh nghiệp lớn như: Dự án đầu tư Khu phục vụ nông nghiệp của Tập đoàn Trường Hải - Lộc Trời; Dự án trồng rau xuất khẩu của Tập đoàn TH; Dự án nuôi Tôm công nghệ cao của Tập đoàn Geleximco, T&T…
- Chuyển đổi 3.307 ha từ cây lúa sang cây thực phẩm, dược liệu và cây ăn quả cho hiệu quả gấp 2-3 lần trồng lúa.
- Cơ giới hóa 100% khâu làm đất, 80% khâu thu hoạch, 10,4% khâu gieo cấy, góp phần làm thay đổi cách thức sản xuất nông nghiệp.
- Hình thành và phát triển 22 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và một số địa phương bước đầu cũng đã ứng dụng công nghệ cao trong sử dụng phân bón, giống, tưới tiêu nước để sản xuất.
- Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích giống lúa chất lượng cao. Giá trị sản phẩm năm 2020 đạt 161,5 triệu đồng/ha canh tác.
- Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và OCOP được đẩy mạnh, đạt kết quả tốt.
-Chương trình nước sạch nông thôn: Hệ thống nước sạch nông thôn phát huy hiệu quả; 1/6 tỉnh có 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch.
Từ kết quả trên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu: Tốc độ tăng của ngành đạt 2,1%/năm; tỷ trọng các ngành phân bố hợp lý (trồng trọt 40,1%, chăn nuôi 33,6%, dịch vụ đạt 4,1%, lâm nghiệp đạt 0,03%, thủy sản đạt 22,2%); 50% diện tích canh tác được tập trung và tổ chức sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm; 8-10 sản phẩm trồng trọt chế biến mang thương hiệu của tỉnh Thái Bình; tỷ lệ cơ khí hóa khâu gieo cấy lúa trên 90%, công nghệ sấy lúa sau thu hoạch trên 60%; cấp 15-20 mã số vùng trồng cho sản xuất trồng trọt...
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh đẩy mạnh chương trình "Thắp sáng đường quê", ông có thể cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình?
Trong giai đoạn 2011-2020, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia NTM ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp, đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường trục thôn, đường qua khu dân cư tập trung chưa có đèn đường chiếu sáng còn cao (khoảng 80% các tuyến đường). Hiện mới chỉ có rải rác các tổ dân cư (hoặc các hộ dân) tự lắp đặt đèn khu vực đường cạnh nhà, không theo quy chuẩn, quy định, tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn.
Chương trình “Thắp sáng đường quê” sẽ góp phần hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; thắp sáng toàn bộ đường qua khu dân cư tập trung (nhánh cấp 1 trục thôn, trục thôn, trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ) nằm trong quy hoạch chung được duyệt của xã để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cư dân nông thôn.
Theo chủ trương chung, ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí; phần còn lại từ thu hút, vận động các nguồn lực xã hội. Mục tiêu trước năm 2025 sẽ hoàn thành trên toàn bộ các tuyến qua khu dân cư tập trung trên địa bàn.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI