THÁI BÌNH

Đưa Khu kinh tế Thái Bình thành động lực phát triển kinh tế

07:43:06 | 25/11/2021

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX đã khẳng định xây dựng Khu kinh tế (KKT) Thái Bình trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu của tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Để tìm hiểu về những giải pháp thực hiện mục tiêu này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Tùng Lâm - Trưởng Ban Quản lý KKT và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Bình.

Một vài chia sẻ của ông về những điểm nhấn nổi bật trong bức tranh KKT Thái Bình: tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư…?

Trên địa bàn tỉnh hiện có 08 KCN đã được thành lập, gồm 06 KCN bên ngoài và 02 KCN trong KKT Thái Bình với tổng diện tích quy hoạch 1.900ha. 

KKT Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 2017, là một trong 18 KKT ven biển của Việt Nam có tổng diện tích 30.583ha, là KKT tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng: 25 phân khu công nghiệp tổng diện tích 8.020ha; Khu cảng biển Thái Bình 500ha (bến Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt,...); Trung tâm điện lực Thái Bình 853ha (Trung tâm nhiệt điện và Khu điện gió) tổng công suất quy hoạch 7.000 MW; Khu du lịch - dịch vụ 3.110ha; các khu nông, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản 4.715ha; các khu đô thị 3.000ha…

KKT Thái Bình có vị trí thuận lợi: Nằm tiếp giáp TP.Hải Phòng, tiếp cận trực tiếp hệ thống giao thông quốc gia, cách sân bay quốc tế Cát Bi 25km, cảng Lạch Huyện 30km và khu bến cảng Nam Đồ Sơn, Văn Úc (được phê duyệt quy hoạch giai đoạn 2021-2030) chỉ 15km,…; có thể kết nối thuận tiện thông tuyến đường bộ ven biển chạy dọc KKT (hoàn thành năm 2022), tuyến đường qua cầu sông Hoá (hoàn thành quý II/2022) và quốc lộ 37.

KKT Thái Bình nằm trong vùng có nguồn lao động dồi dào (1,9 triệu người tại tỉnh và 2 triệu người Thái Bình sống ở các địa phương khác); có 2 trường đại học và 30 cơ sở dạy nghề với quy mô đào tạo nghề gần 35.000 người/năm. Người lao động chăm chỉ, có trình độ và tác phong làm việc ngày càng nâng cao. 
Hạ tầng các KCN được thiết kế đồng bộ, hiện đại và có quỹ đất cho thuê lớn, đáp ứng mọi nhu cầu nhà đầu tư; chi phí thuê đất rẻ so với các địa phương khác. KKT Thái Bình là địa bàn đặc biệt nên hưởng mức ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định chung, đồng thời tỉnh Thái Bình còn có ưu đãi hỗ trợ riêng (Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 29/6/2020 của UBND tỉnh).

Thái Bình xác định việc xây dựng KKT là nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh nên nhà đầu tư vào sẽ được tỉnh hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh đã có nhiều nỗ lực đổi mới hoạt động, đẩy mạnh cải cách hành chính, chủ động mời gọi, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án.

KKT Thái Bình ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp y dược, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), không carbon, thiết kế mẫu, sản xuất nguyên phụ liệu ngành may mặc; dự án đầu tư khu du lịch, khu đô thị; dự án nông nghiệp công nghệ cao; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng biển…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 tác động nhưng trong 9 tháng đầu năm 2021, tại KKT Thái Bình thu hút được 420 triệu USD vốn FDI, tăng 7 lần so với cùng kỳ 2020. Điển hình như dự án của Công ty Greenworks Việt Nam 200 triệu USD, dự án của Công ty Lotes Việt Nam 120 triệu USD, dự án của Công ty Jeanson 75 triệu USD. Ngoài ra còn nhiều tập đoàn lớn đang nghiên cứu đầu tư như: Iris, Ohsung... 

Nhằm đưa KKT Thái Bình thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới, tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nào? 

Tỉnh Thái Bình tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19, tạo ra vùng xanh bền vững, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) phát triển sản xuất. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển KKT để các tầng lớp nhân dân ở 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy nhất là các xã, thị trấn trên địa bàn KKT Thái Bình nhận thức đầy đủ, sâu sắc về chủ trương phát triển KKT; tầm quan trọng và các cơ hội, thuận lợi, khó khăn của việc xây dựng, phát triển KKT; từ đó tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng và phát triển KKT, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng.

Tỉnh cũng sẽ hoàn thành rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng KKT, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng trong KKT làm cơ sở thu hút nhà đầu tư, đồng thời tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng KKT, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối với TP.Hải Phòng, các tuyến đường kết nối với các khu chức năng, các khu cảng và các công trình xã hội phục vụ đời sống người lao động như nhà ở công nhân...

Thái Bình đặc biệt chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới cách thức hỗ trợ các dự án đầu tư, nhất là các dự án quy mô lớn để theo sát, hỗ trợ nhà đầu tư từ bước nghiên cứu đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng và vận hành sản xuất kinh doanh. 

Tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế so sánh, các quy hoạch, định hướng phát triển và cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư; tăng cường tiếp xúc với các tổ chức xúc tiến thương mại, các đại sứ Việt Nam tại các nước phát triển như: Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… cũng như chủ động tiếp xúc với các DN, tập đoàn lớn trong, ngoài nước để kêu gọi đầu tư vào KKT. 

Ngoài ra, tỉnh còn kịp thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; giúp các DN yên tâm trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn.

Ban có kiến nghị gì với các bộ, ngành Trung ương cũng như muốn chia sẻ thông điệp gì với các nhà đầu tư đang và sẽ đến với KCN và KKT Thái Bình?

Về kiến nghị, Ban đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, trong đó xem xét sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Quy định điều kiện về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu của các KCN đã được thành lập trên địa bàn tỉnh, thành phố khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN mới, theo hướng không quy định tỷ lệ lấp đầy khi đầu tư thêm các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN tại địa bàn cấp huyện thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc trong KKT đã được thành lập. Ban cũng đề nghị quy định rõ vị trí pháp lý, chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tối thiểu của Ban Quản lý KKT, KCN. Ban cũng mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn từ nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng hạ tầng, đồng thời quan tâm giới thiệu các nhà đầu tư nghiên cứu đầu tư vào KKT, KCN trên địa bàn tỉnh.

KKT Thái Bình có vị trí địa lý, môi trường đầu tư thuận lợi, hệ thống hạ tầng được quy hoạch và đầu tư đồng bộ, chính sách ưu đãi đầu tư ở mức cao nhất sẽ là địa chỉ hấp dẫn, tin cậy đối với các nhà đầu tư. Chúng tôi cam kết luôn lắng nghe, đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh tại Thái Bình. Các nhà đầu tư đến với Thái Bình chỉ cần chuẩn bị ý tưởng đầu tư, nguồn vốn đầu tư, các thủ tục đầu tư sẽ được các sở, ngành hỗ trợ, giải quyết một cách nhanh nhất. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum