BẠC LIÊU

Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu: Khẳng định vai trò đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao

11:05:48 | 15/3/2022

Thành lập năm 1979, trải qua hơn 4 thập kỷ xây dựng và phát triển, Trường Cao đẳng nghề Bạc Liêu hiện là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao của tỉnh Bạc Liêu.

Nhiệm vụ, cũng là sứ mạng của Trường là cung cấp dịch vụ đào tạo, giáo dục nghề nghiệp trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp và dịch vụ có trình độ từ sơ cấp đến cao đẳng và dạy nghề thường xuyên; đào tạo đa ngành, đa hệ, có chất lượng cao, đáp ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động trong nước và xuất khẩu; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ, học tập suốt đời cho người lao động. Những năm qua Trường đã đào tạo ra hàng ngàn lao động có trình độ kỹ thuật cho địa phương, cho các doanh nghiệp và xã hội, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bạc Liêu, nhất là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đất nước.
Theo thông tin trong Báo cáo kỷ niệm 40 thành lập Trường, thầy Đào Anh Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, 40 năm xây dựng và phát triển với nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật, kỹ thuật viên ngành công nghiệp cơ khí, điện, giao thông vận tải… Trường đã đào tạo được 32.926 công nhân kỹ thuật và kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành. Trong đó, ngành điện công nghiệp và dân dụng 1.316 người; ngành máy động lực, cơ khí ô tô là 1.090 người; ngành cơ khí chế tạo, tiện hàn là 547 người; ngành điện lạnh là 1.162 người; ngành điện tử, máy tính, công nghệ thông tin là 486 người; nghề lái xe ô tô hơn 26.861 người; nghề may thời trang, may công nghiệp 88 người; nghề kỹ thuật xây dựng 53 người; phối hợp với các cơ sở sản xuất kiểm tra tay nghề, nâng bậc thợ, dạy nghề nông thôn cho hàng ngàn lượt người. Ngoài ra Trường còn tham gia giảng dạy Luật giao thông đường bộ cho 218.250 người, Luật giao thông đường thủy cho 1.583 người.

Đến nay Trường được phép tuyển sinh đào tạo 17 ngành nghề trình độ cao đẳng và trung cấp; 16 ngành nghề trình độ sơ cấp, tuy nhiên hiện Trường chỉ tổ chức đào tạo 8 ngành nghề. Năm học 2019-2020, quy mô đào tạo đã tăng lên hơn 1000 học viên, trong đó trình độ cao đẳng 327 sinh viên, trung cấp 256 học sinh, đào tạo sơ cấp (lái xe ô tô hạng B2,C,D,E) có hơn 1000 người theo học, ngoài ra còn liên kết đào tạo đại học gần 100 người. Trường còn mở các lớp dạy nghề thường xuyên, lớp phương tiện thủy nội địa và các lớp lái xe mô tô 2 bánh hạng A1 cho gần 5000 người tham gia. Số học sinh, sinh viên (HSSV) tốt nghiệp năm 2020 là 175 em, trong đó trình độ cao đẳng 100 em, trình độ trung cấp 75 em, đến nay đa số HSSV đã có việc làm. Số HSSV tuyển mới năm học 2020 - 2021 là 329 HSSV, gồm các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Vận hành sửa chữa thiết bị lạnh, Công nghệ thông tin.

Thầy Đào Anh Tuấn cho biết, Nhà trường tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV; thường xuyên đổi mới về hình thức, phương pháp giáo dục tạo chuyển biến tốt trong nhận thức của HSSV. Nhà trường đã xây dựng, điều chỉnh bổ sung chương trình đào tạo, tích cực biên soạn, chỉnh sửa giáo trình môn học; đăng ký bổ sung hoạt động GDNN. Nhà trường có các biện pháp căn bản nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; quan tâm phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về số lượng, chất lượng; đẩy mạnh thi đua “Dạy tốt - Học tốt”.

Về cơ sở vật chất, Trường được quan tâm đầu tư xây dựng cơ bản như nhà xưởng, phòng học đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu để tổ chức giảng dạy, học tập. Năm 2010 Trường được phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất với tổng mức đầu tư là hơn 106 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện được gần 70 tỷ đồng.

Hiện nay, tại Cơ sở 2 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để để sớm đưa vào sử dụng trong thời gian tới. Các công trình được thiết kế tổng thể khá đồng bộ trên tổng diện tích hơn 3ha; gồm: cổng, đường vào trường, phòng học, hội trường, nhà xưởng, nhà làm việc, sân, đường nội bộ, điện, cấp thoát nước.

Đặc biệt, từ Dự án “Tăng cường năng lực dạy nghề”, Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục - Đào tạo, Chương trình hỗ trợ mua sắm thiết bị nghề trọng điểm, thuộc chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số tiền đầu tư 27,2 tỷ đồng, năm 2018 Trường đã xây dựng và được phê duyệt dự án đầu tư 5 nghề trọng điểm quốc gia với số tiền là hơn 48 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2016 đến 2020 và chuyển tiếp đến năm 2025.

Những điều kiện trên giúp Trường trở thành đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật cho tỉnh nhà, góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề cho các địa phương và các doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo được xã hội đánh giá khá tốt, nhiều HSSV từ mái trường này đã trưởng thành và rất thành đạt trong cuộc sống, một số người đang là chủ doanh nghiệp hoặc nắm giữ các vị trí quan trọng trong các cơ sở sản xuất.

Nguồn: Vietnam Business Forum