Ngày 30/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tổ chức hội thảo kết thúc dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới”. (Grant No.2000001752).
Sau 2 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ 150 máy tính để bàn và xách tay cho cán bộ cơ sở để theo dõi thông tin hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) địa phương; xây dựng cổng thông tin kết nối OCOP.vn nhằm giới thiệu thông tin các sản phẩm OCOP; hỗ trợ cung ứng thông tin thị trường cũng như kết nối cung cầu và tài liệu tập huấn cho các cán bộ, chủ thể OCOP; tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, chủ thể OCOP ở địa phương; hỗ trợ và xây dựng cơ chế chính sách và đã kết nối thị trường cho 10.000 sản phẩm OCOP của 1.500 cơ sở sản xuất và quảng bá sản phẩm OCOP tại 200 cuộc hội chợ.
Dự án đã thu thập thông tin của hơn 400 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó trực tiếp hỗ trợ đăng tải công khai trên hệ thống đối với thông tin của gần 300 sản phẩm OCOP thuộc 3 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Bến Tre. Đăng tải lên hệ thống 20 video và tài liệu trực tuyến về các chủ đề như: Hướng dẫn lập kế hoạch phát triển sản xuất sản phẩm OCOP; Lập kế hoạch kinh doanh thương mại điện tử; Ứng dụng công nghệ 4.0 trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; Phân tích thị trường cho sản phẩm OCOP…
Phát biểu tại hội thảo Giám đốc Chương trình IFAD tại Việt Nam Pichon Francisco cho biết dự án đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình là nâng cao kiến thức cho người nông dân khu vực nông thôn; sử dụng công nghệ thông tin tìm hiểu thông tin cần thiết phục vụ cuộc sống và sản xuất. Đặc biệt, những mô hình thí điểm về thương mại điện tử trong khuôn khổ của chương trình phát triển nông thôn mới. Dự án đã đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản. Những kết quả và hoạt động của dự án mang lại những hiệu quả thiết thực cho người nông dân tại các địa phương.
Ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết dự án đạt mục tiêu kết quả như mong đợi, góp phần hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nói chung, Chương trình OCOP nói riêng. Đồng thời, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và các chủ thể OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất và thương mại các sản phẩm hàng hóa dịch vụ khu vực nông thôn. Trên cơ sở kết quả dự án đạt được sẽ tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế chính sách và hỗ trợ thông tin thị trường cho các chủ thể OCOP trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025, triển khai đến các địa phương trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, kết quả thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), tính đến tháng 1/2022 có 6.010 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó, thực phẩm chiếm 81%, đồ uống 6%, thảo dược chiếm 3%, đồ lưu niệm nội thất chiếm 8%, còn lại nhóm sản phẩm vải may mặc và dịch vụ du lịch chiếm 1% cho mỗi loại; 20 sản phẩm OCOP quốc gia đạt 5 sao; 3.277 chủ thể có sản phẩm OCOP từ 3 sao trong đó doanh nghiệp chiếm 27%; hợp tác xã/tổ hợp tác chiếm 41% còn lại các hộ kinh doanh chiếm 32%; sản phẩm OCOP được lựa chọn làm quà ngoại giao, xây dựng hình ảnh thương hiệu Việt Nam.
Bùi Liên (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI