Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch. Phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời trực tiếp góp phần gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống.
Nhiều thế mạnh
Nằm trong khu vực trung tâm vùng Đồng Bằng Sông Hồng, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm.... nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)… Trong những năm qua, Thành phố đã quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, lưới điện, nước sạch, cải thiện cảnh quan môi trường, hình thành đội ngũ thuyết minh viên tại cơ sở; tổ chức gặp mặt nghệ nhân, thợ giỏi... Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng hỗ trợ các làng nghề xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng bãi đỗ xe… Thời gian qua, du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn Thành phố đã có sự phát triển mạnh mẽ..Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa xứng với tiềm năng của làng nghề. Tỷ lệ khách đến làng nghề so với khách du lịch của cả thành phố vẫn thấp. Doanh thu chủ yếu từ việc bán các sản phẩm thủ công truyền thống. Chi tiêu của khách du lịch cho các dịch vụ phục vụ du khách rất hạn chế. Làng nghề chủ yếu chỉ là nơi sản xuất và cung cấp các sản phẩm mà chưa được khai thác ở các khía cạnh không gian văn hóa. Các hoạt động nhằm giúp du khách có được các trải nghiệm cũng chưa thực sự phong phú.
Thành phố từng được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống, đã có những đóng góp không nhỏ trong nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn, việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố xác định là một trong thế mạnh. Theo đó, cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhiều làng nghề thủ công cũng được thành phố chú trọng bảo tồn, phát triển để gắn với phát triển du lịch. Thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Trong số 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, có 4 điểm du lịch làng nghề, như làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với các làng nghề sẽ được tham quan và trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm của các làng nghề.
Có thể nói, với nhiều thế mạnh cho phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, hướng đi này hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các khu trang trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương đã từng bước giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn. Nhiều mô hình sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục trên địa bàn thành phố, như Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn); Rose Park Đầm Trành, Nắng sông Hồng (quận Long Biên); Khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, hồ Tiên Sa (huyện Ba Vì); Khu du lịch hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức),… Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín),…..
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: các mô hình nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực trong giải quyết vấn đề việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân và góp phần gìn giữ nghề truyền thống, duy trì các sản vật địa phương. Bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo… Tuy nhiên, sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.
Chú trọng phát triển du lịch làng nghề
Nhằm phát triển du lịch một cách bền vững, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa lên kế hoạch phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025. Theo đó, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu giai đoạn này mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố triển khai từ 1 đến 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch;" phấn đấu có ít nhất 50% số sản phẩm này được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và công nhận OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Mỗi huyện, thị xã có tiềm năng xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù có sự tham gia của các chủ thể nông dân-hợp tác xã-hộ kinh doanh-doanh nghiệp. Thành phố sẽ triển khai đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Ủy ban Nhân dân thành phố cũng sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng; làng du lịch thông minh; du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Thanh Trì, Mỹ Đức, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây.
Trước mắt, để thực hiện được, thành phố sẽ tổ chức điều tra, thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên, thị trường du lịch nông nghiệp, nông thôn để phân tích, đánh giá hiện trạng và định hướng phát triển. Cùng với đó, Hà Nội nghiên cứu xây dựng phần mềm công nghệ thông tin để thu thập, xử lý các cơ sở dữ liệu về điều tra, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố phục vụ quy hoạch, quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới.
Thành phố sẽ tổ chức lựa chọn, hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn;…khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, đầu tư xây dựng một số mô hình điểm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị gắn với du lịch trải nghiệm giáo dục-du lịch học đường, du lịch sinh thái; du lịch ẩm thực... đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng các làng du lịch nông nghiệp, nông thôn thông minh tạo sự nối kết khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng cư dân tại chỗ và liên kết bên ngoài; xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý, quảng bá các sản phẩm du lịch và nông nghiệp (phần mềm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề, phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng các website, chợ giao dịch điện tử...); đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
*Bài có sự phối hợp của Chi cục phát triển nông thôn TP Hà Nội.
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)