Dịch Covid-19 kéo dài với nhiều diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản. Để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ổn định sản xuất, Thành phố Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp giữ vững chuỗi liên kết, sản xuất và tiêu thụ nông sản, thực phẩm, hàng hóa, góp phần ổn định cung cầu thị trường trong nước, phù hợp và thích nghi với trạng thái bình thường mới.
Tìm "đầu ra" cho nông sản
Trong chuỗi sự kiện tại Hội chợ giống, vật tư nông nghiệp, nông sản an toàn và sản phẩm OCOP, làng nghề năm 2022, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức trao nhận biên bản ghi nhớ về hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa các doanh nghiệp bán lẻ và hợp tác xã sản xuất trên địa bàn thành phố. Theo đó, 8 doanh nghiệp là các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp chế biến, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 12 hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội.
Giám đốc Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, việc ký kết hợp tác liên kết với hai sàn thương mại điện tử Kinhteec và Cadosa giúp đơn vị mở rộng "đầu ra" cho các sản phẩm rau củ quả; hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá, hoặc bị tư thương ép giá khi thị trường biến động. Qua đó, các thành viên của hợp tác xã có thể yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất. Tương tự, việc ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm cũng mang lại lợi ích lớn cho các kênh phân phối. Giám đốc tiêu thụ chuỗi nông sản (Công ty cổ phần dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam) Phạm Quang Dũng cho hay, hợp đồng là sự bảo đảm nguồn cung, không chỉ về số lượng mà còn là chất lượng sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp ổn định việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng…
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Di Trạch (huyện Hoài Đức) Nguyễn Hữu Quang, hợp tác xã có vùng chuyên canh ổi 30ha tại Di Trạch và hơn 100ha người dân thuê đất ở các xã lân cận để sản xuất. Sản phẩm đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận OCOP 4 sao năm 2021. Tuy vậy, hiện nay, đa số ổi của Di Trạch vẫn tiêu thụ ở các chợ truyền thống, giá cả bấp bênh; sản lượng ổi được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Người dân trồng ổi mong muốn tìm được "đầu ra" ổn định cho loại trái cây chủ lực của địa phương.
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí thông tin, Hà Nội hiện có 318 làng nghề; 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp; trên 7.000 sản phẩm nông nghiệp đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR và có trên 1.500 sản phẩm OCOP. Đây là tiềm năng và tiền đề để thúc đẩy phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, mở hướng liên kết, hợp tác giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để tạo "đầu ra" cho sản phẩm có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao giá trị gia tăng và phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững.
Đẩy mạnh kết nối
Thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa với các tỉnh, thành trên cả nước. Đáng chú ý, trong thời gian từ quý I đến hết quý II/2022, thành phố sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tham gia các hoạt động giao thương trực tuyến tiêu thụ sản phẩm do các tỉnh, thành phố tổ chức trong các mùa vụ trái cây, nông sản; Hướng dẫn các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, yêu cầu, thị hiếu, thủ tục của nhà phân phối, người tiêu dùng Thủ đô; Triển khai ký biên bản ghi nhớ, hợp đồng nguyên tắc hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các đơn vị tham gia…
Cùng với các hoạt động kết nối, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông sản, thành phố còn tổ chức các hoạt động giao thương, giới thiệu sản phẩm có quy mô nhỏ theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến; Tổ chức từ 3-5 tuần hàng trái cây, nông sản của các tỉnh, thành phố tại Hà Nội; Tổ chức 2-3 đoàn doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh thành phố tham gia khu gian hàng Hà Nội tại các hội trợ, triển lãm….
Ngoài ra, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 15-20 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội khi dịch bệnh được kiểm soát; Hỗ trợ giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm của Hà Nội và các tỉnh, thành phố có nguy cơ dư cung cao trong các mùa vụ, rủi ro từ thị trường tiêu thụ, xuất khẩu do ảnh hưởng của dịch COVID-19…; Giới thiệu các địa điểm thuận lợi để hỗ trợ các tỉnh, thành phố chủ động tổ chức điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố tại Hà Nội...
Việc đẩy mạnh liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối cung cầu hàng hóa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân Hà Nội và các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình cung - cầu thị trường để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông sản thiết yếu, thủy sản, trái cây, sản phẩm OCOP… qua đó góp phần ổn định sản lượng, giảm tình trạng dư cung hoặc thiếu cung sản phẩm, hạn chế tổn thất cho nông dân, thích ứng với các diễn biến nhu cầu thị trường. Đồng thời, liên kết vùng cũng góp phần hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã sản xuất quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối biết để ưu tiên lựa chọn, kết nối, tiêu thụ, từng bước chiếm lĩnh và đứng vững trên thị trường nội địa; Đẩy mạnh kết nối với các bộ phận thu mua của các kênh phân phối nước ngoài như Central Group, Aeon, Lotte… để xuất khẩu hàng hóa.
*Bài viết có sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội.
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI