HƯNG YÊN

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Hưng Yên: Lan toả quyết tâm - Thúc đẩy hiệu quả

10:53:35 | 5/5/2022

Tỉnh Hưng Yên đang lan toả mạnh mẽ quyết tâm, thúc đẩy hiệu quả thực chất “làn sóng” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh qua việc ban hành, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, giải pháp, đặc biệt là triển khai Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án PCI). Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp) xung quanh vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.

Năm 2021, Hưng Yên đã vượt khó thành công khi hoàn thành đạt, vượt hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Vậy tỉnh đang phát huy kết quả này trong năm 2022 ra sao, thưa ông?

Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2021 nhưng nhờ quyết tâm, nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Hưng Yên đã vượt khó thành công và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ: GRDP tăng 6,52%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,82%; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ đạt 45.228 tỷ đồng, tăng 7,28%; kim ngạch xuất khẩu đạt 5.925 triệu USD, tăng 41,92%; thu ngân sách 19.037 tỷ đồng, tăng 14,4%,... so năm 2020. Trong năm 2021, tỉnh đã cấp mới 86 dự án đầu tư (25 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 2.802 triệu USD; 45 dự án mới hoạt động, tạo thêm 5.750 việc làm; 1.323 doanh nghiệp thành lập với tổng vốn 22.239 tỷ đồng...

Kết quả đạt được đã tạo động lực để tỉnh đề ra mục tiêu năm 2022: GRDP tăng 7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 8,7%; xây dựng tăng 5%; thương mại, dịch vụ tăng 5,5%; nông nghiệp tăng 2,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ 48.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5.600 triệu USD; thu ngân sách 19.525 tỷ đồng,...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, bên cạnh tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Hưng Yên sẽ triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh, tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực, phấn đấu trong năm 2022, tạo 1.000ha “đất sạch” và đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tiếp nhận dự án,... đồng thời tập trung nguồn lực hoàn thành quy hoạch tỉnh và các quy hoạch lớn như: Quy hoạch chung thị xã Mỹ Hào, Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... cũng như triển khai các chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở...

Với quyết tâm, nỗ lực cao nhất, với khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, Hưng Yên đang lan toả kết quả đạt được để thực hiện tốt mục tiêu đề ra năm 2022, tạo đà cho cả giai đoạn tăng trưởng bứt phá.

Nhằm khơi thông tiềm năng, nguồn lực, tăng tốc phát triển, tỉnh Hưng Yên đang đề xuất, tháo gỡ các vướng mắc về chính sách, quy hoạch, hạ tầng giao thông... Ông nhìn nhận sao về các “điểm nghẽn” này và nỗ lực tháo gỡ trong thời gian tới?

Nqhị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: Xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững, đồng thời đã xác định 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn hiện nay. Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế, Hưng Yên đang tập trung tháo gỡ một số  “điểm nghẽn” phát triển, nổi bật:

Trước hết, tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch để tìm, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và khắc phục các hạn chế, thách thức cũng như giải quyết mâu thuẫn giữa tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách hạn hẹp, hiệu quả chưa cao; trong đó chú trọng quy hoạch, quản lý đô thị, bảo đảm yêu cầu về pháp lý và không ảnh hưởng đến mô hình phát triển tương lai.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hưng Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tháng 12/2021

Hưng Yên cũng đa dạng hóa huy động nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội bằng 3 hình thức: Lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư tư - sử dụng công; đầu tư công - quản lý tư...

Tỉnh còn tập trung phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, tập trung vào giao thông kết nối, phát triển đô thị, hạ tầng số... từng bước thúc đẩy Chính phủ số, công dân số, kinh tế số; chú trọng hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế và giáo dục, đồng thời phát triển các khu công nghiệp theo hướng bền vững, hiện đại; thu hút các ngành công nghiệp sạch, công nghệ cao.

Đặc biệt, tỉnh đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng cường phân cấp, phân quyền; tăng cường dịch vụ công trực tuyến; quyết tâm khắc phục những hạn chế trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút nguồn lực đầu tư trực tiếp, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Hiện cả hệ thống chính trị trên địa bàn đã vào cuộc với tinh thần chủ động, đồng bộ, đang tháo gỡ hiệu quả các “điểm nghẽn”, từng bước khơi thông tiềm năng, nguồn lực để đưa Hưng Yên bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới.

Với việc ban hành Đề án PCI, Hưng Yên đang thúc lên mạnh mẽ “tiếng trống PCI”. Ông có thể cho biết thêm ý nghĩa việc triển khai Đề án PCI đối với quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn hiện nay?

Trong nhiều năm qua, tỉnh Hưng Yên đã quan tâm, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. UBND tỉnh đã ban hành “Đề án cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020” (Quyết định số 2382/QĐ-UBND ngày 28/10/2016), đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai và đạt một số kết quả,... Tuy vậy, Hưng Yên chưa tạo được sự bứt phá nên điểm số PCI các năm gần đây dù có tăng nhưng vẫn đứng top cuối trong bảng xếp hạng PCI. Một số chỉ số thành phần cải thiện chưa ổn định, thậm chí có nguy cơ tụt hậu... Để khắc phục tình trạng này, đồng thời đẩy mạnh thu hút đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, trên cơ sở chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thực tiễn các “điểm nghẽn” trong quá trình triển khai, UBND tỉnh đã ban hành, triển khai Đề án PCI.

Được coi là nhiệm vụ chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh  (PCI), bên cạnh việc chỉ ra các chỉ tiêu đạt điểm thấp, làm rõ trách nhiệm các sở, ngành, Đề án đặt mục tiêu: “Phấn đấu cải thiện điểm số từng chỉ số thành phần, nâng dần vị trí xếp hạng PCI của tỉnh mỗi năm tăng từ 2-5 bậc. Đến năm 2023 ở nhóm 45 và đến năm 2025 ở nhóm 40 tỉnh, thuộc nhóm các địa phương tiệm cận mức Khá”. Đề án cũng nêu nhiều giải pháp, nhiệm vụ như: Các sở, ngành và UBND cấp huyện phải xây dựng kế hoạch triển khai, 3 - 6 tháng tổ chức sơ kết, hằng năm tổ chức tổng kết; Văn phòng UBND tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã, đồng thời tham mưu UBND tỉnh hàng tháng tổ chức họp đánh giá nhiệm vụ được giao; các sở, ngành và UBND cấp huyện rà soát thủ tục hành chính, vướng mắc cần giải quyết báo cáo UBND tỉnh;...

Ngay sau khi Đề án được ban hành, các sở, ngành, địa phương đã chủ động xây dựng, tích cực triển khai, cụ thể như: Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 3734/KH-SLĐTBXH ngày 23/9/2021... Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021 về thực hiện có hiệu quả các giải pháp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhằm cải thiện PCI...

Có thể khẳng định, với khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển, Hưng Yên đang vào cuộc hết sức mạnh mẽ, đồng bộ với sự quyết liệt của cả bộ máy chính trị nên chúng tôi tin tưởng rằng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực và hiệu quả trong giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021 nhằm chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc nâng cao chỉ số PCI và chỉ rõ điểm hạn chế “yếu tố do con người”. Ông có chia sẻ ra sao về lan toả quyết tâm này?

Xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh những năm qua nằm ở top cuối cả nước cho thấy còn những tồn tại, hạn chế ở một số ngành, lĩnh vực và qua phân tích cho thấy nguyên nhân chủ quan, do “con người” là chủ yếu. Thực tế cho thấy, một bộ phận cán bộ, công chức còn thiếu trách nhiệm, thậm chí gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp...

Để đạt mục tiêu đến năm 2023 vào nhóm 45 tỉnh trong bảng xếp hạng PCI, đưa Hưng Yên thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, UBND tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt người đứng đầu cơ quan đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong thực thi công vụ, xác định rõ bổn phận trách nhiệm, hết lòng vì lợi ích chung và khát vọng vươn lên của tỉnh. Tỉnh sẽ kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, chậm trễ trong giải quyết TTHC, đặc biệt ở các khâu: giấy phép xây dựng, giải phóng mặt bằng, các thủ tục về đất đai, vấn đề môi trường,...

Bằng nhiều biện pháp, Hưng Yên quyết tâm xây dựng bằng được đội ngũ cán bộ công quyền thấm nhuần tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; nếu không thấm nhuần, không thực hiện được sẽ có biện pháp xử lý nghiêm khắc… Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc công việc” và yêu cầu: “Đào tạo cán bộ không được làm qua loa, đại khái” mà “phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng cây cối quý”... Công tác cán bộ là khó khăn song chúng tôi sẽ kiên trì thực hiện, tất cả vì khát vọng "Xây dựng Hưng Yên ngày càng 'Hưng'” và ngày càng “Yên” hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum