HƯNG YÊN

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

21:55:45 | 4/5/2022

Để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Hưng Yên đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền móng cho sự phát triển bền vững.

Những chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề

Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về Chương trình dạy nghề, việc làm và giảm nghèo tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), lực lượng lao động xã hội về công tác đào tạo, bồi dưỡng, học nghề; nhận thức của người dân đối với giáo dục - đào tạo và học nghề đã có nhiều chuyển biến tích cực theo nhu cầu bản thân và thực tế xã hội. Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng 22%; lao động qua đào tạo nghề tăng 18%; hàng năm giải quyết việc làm cho trên 2,2 vạn lao động. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 2,67%, trong đó tỷ lệ lao động thất nghiệp ở thành thị là 2,78%, ở nông thôn là 2,65%; hầu hết lao động được đào tạo nghề (ngắn hạn) đều có việc làm ổn định.

Hiện nay, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp phân bổ đều ở các địa phương, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo được đầu tư đảm bảo dạy và học; tỷ lệ lao động qua đào tạo, đào tạo nghề ổn định theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm. Nổi bật nhất là giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo là 92%, vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% (hoàn thành mục tiêu).

Đội ngũ cán bộ, công chức đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật về kiến thức pháp luật, đạo đức công vụ, kiến thức kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động

Phát huy những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chủ trương phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, ngành LĐTXH sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có những chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho giai đoạn mới.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh trong giai đoạn mới 2021-2030, ông Trần Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Hưng Yên cho biết: Trong xu thế hiện nay, nguồn nhân lực chất lượng cao là giải pháp tiên quyết hàng đầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Với chính sách tăng tỷ lệ công nghiệp tại địa phương thì nhân lực phục vụ cho phát triển công nghiệp công nghệ cao là xu thế tất yếu. Do vậy ngành đã xác định các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn tiếp theo: Giai đoạn 2021-2025, tuyển sinh 300.000 lượt người ở cả 3 cấp trình độ, chú trọng đào tạo lao động trình độ cao, đến hết năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế đạt 71%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt trên 30%. Giai đoạn 2021-2030, tuyển sinh khoảng 600.000 lượt người ở cả 03 cấp trình độ, chú trọng đào tạo lao động trình độ cao. Đến hết năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế đạt 76%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Bên cạnh đó, giai đoạn 2021-2025 tạo việc làm cho 120.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 15.000 người; đến hết năm 2030 tạo việc làm cho 245.000 lao động, trong đó xuất khẩu lao động 31.000 người.

Để làm được điều đó, ngành phải đảm bảo gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động để nguồn lực sau khi đào tạo được cung ứng một cách có hiệu quả nhất. Đồng thời lựa chọn, xác định cơ cấu ngành nghề để đào tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm; xác định thị trường lao động và dự báo ngành, nghề để đào tạo phù hợp nhu cầu xã hội; phát huy đào tạo theo địa chỉ, đặt hàng; đào tạo lao động phù hợp các ngành nghề để phục vụ các đề án của tỉnh như phát triển du lịch, thương mại dịch vụ.

Nguồn: Vietnam Business Forum