Huyện Ân Thi được định hướng xây dựng phát triển trở thành một trong các trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, huyện đang tập trung thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
Cách làm hiệu quả, “thấu tình đạt lý”
Trong giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo huyện cùng chính quyền, đoàn thể và các phòng, ban chức năng tập trung thực hiện tốt công tác bồi thường, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện triển khai các công trình giao thông, dự án đầu tư hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Ân Thi theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Đầu tư hệ thống giao thông kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Ân Thi
Theo sơ kết đánh giá, các nhiệm vụ trên bước đầu được triển khai thành công. Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực UBND huyện đã phát huy trí tuệ tập thể, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, phân công rõ trách nhiệm cho tập thể và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh Hưng Yên và huyện Ân Thi đã sớm đi vào cuộc sống, đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, văn hóa, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, nhất là trong công tác bồi thường, GPMB... Bằng cách làm “thấu tình, đạt lý”, tổ chức thực hiện “đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và giữ nghiêm kỷ cương” nên đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các công trình giao thông, hạ tầng trong các khu - cụm công nghiệp đã và đang được triển khai thuận lợi trên địa bàn.
Bức tranh kinh tế - xã hội của Ân Thi năm 2021 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng thu ngân sách của huyện đạt trên 392 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 50 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều là 4,99%. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; có 4 xã được tỉnh công nhận đạt nông thôn mới nâng cao; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo... Huyện đã từng bước thích ứng linh hoạt với dịch Covid-19; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ; dịch vụ, thương mại và nhà ở; nông nghiệp đô thị và du lịch tâm linh, trải nghiệm...
Lãnh đạo, cán bộ chuyên trách của UBND huyện Ân Thi luôn sát cánh cùng doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong bồi thường, GPMB
Đặc biệt, lãnh đạo huyện đã chủ động và cùng các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội, các cán bộ chuyên trách… không quản ngày hay đêm, luôn thường xuyên có mặt ở các nơi nằm trong quy hoạch để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ mục đích thực hiện GPMB cũng như sự hưởng lợi của người dân và chính sách bồi thường theo đúng quy định của Nhà nước đối với “tài sản trên đất” phải di dời… Từ cách làm chuyên tâm đó cho thấy tín hiệu khả quan với khối lượng kế hoạch trên 1.000ha GPMB trong năm 2022 mà huyện đã đề ra.
Chỉ trong vài tháng đầu năm 2022, Ân Thi đã GPMB được trên 200ha; cụ thể như: Hỗ trợ bồi thường Khu công nghiệp (KCN) sạch, Cụm công nghiệp (CCN) Quảng Lãng - Đặng Lễ; triển khai hiệu quả công tác GPMB KCN số 5, CCN Văn Nhuệ và đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN số 3 và các khu, CCN đã được chấp thuận đầu tư đảm bảo đúng tiến độ. Tích cực trao đổi, tháo gỡ vướng mắc của các nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, với KCN sạch có diện tích 143,08ha với tổng số vốn đầu tư 1.788,59 tỷ đồng (vị trí tại xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi và xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu), chỉ trong vòng 2 tháng (từ ngày 05/12/2021 - 5/02/2022), Ân Thi đã thực hiện xong thủ tục bồi thường, di dời và bước đầu bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư…
Tạo động lực bứt phá
Nhờ sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến cuối năm 2020, huyện Ân Thi đã được công nhận là huyện nông thôn mới. Trong đó, có 200 công trình được đầu tư xây mới, cải tạo sửa chữa với kinh phí gần 600 tỷ đồng bao gồm các lĩnh vực như: giáo dục, văn hóa - xã hội, trụ sở làm việc; đường giao thông liên xã, liên thôn...
Kể từ năm 2016 đến nay, Ân Thi đã chú trọng đầu tư làm mới và nâng cấp gần 300km đường nội huyện. Đồng thời, theo quy hoạch đến năm 2030, trên địa bàn huyện sẽ có 4 tuyến quốc lộ đi qua. Đó là tuyến đường nối đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội đang khẩn trương thi công; tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường nối 2 đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; QL.38, QL.38B và 7 tuyến đường tỉnh đi qua địa bàn huyện. Đặc biệt, hệ thống giao thông tiếp tục được mở rộng nhằm phát huy tối đa lợi thế của huyện để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển bền vững các lĩnh vực... Các tuyến giao thông sẽ kết nối Ân Thi với các huyện lân cận và nhiều tỉnh, thành như: Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, TP. Hải Phòng, Thủ đô Hà Nội,...
Cùng với đó, trên địa bàn huyện Ân Thi sẽ có 12 KCN trong đó: KCN và đô thị dịch vụ Lý Thường Kiệt gồm có 8 KCN gồm: KCN số 1, KCN sạch, KCN số 3, KCN số 5, KCN Thổ Hoàng, KCN số 6; KCN số 4, KCN số 7 và KCN số 2; KCN Industrial Park Tiên Lữ-Kim Động-Ân Thi; KCN Văn Nhuệ-Hoàng Hoa Thám (KCN Tân Á Đại Thành) và KCN Bãi Sậy.
Ân Thi là mảnh đất có truyền thống về văn hiến, nhất là về cử nghiệp và thi thư, nhiều người đỗ đạt ra làm quan trong triều đến chức Thượng thư. Các bậc anh tài đã cống hiến nhiều cho dân cho nước, được ghi nhận và khắc ghi vào bia đá, lưu giữ ở Văn Miếu (Hà Nội). Ân Thi cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa. Toàn huyện có 240 di tích trong đó có 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, nổi bật như: đền thờ Tướng quân Phạm Ngũ Lão ở xã Phù Ủng; đền thờ danh nhân Nguyễn Trung Ngạn ở thị trấn Ân Thi; đền thờ Đế Thích ở Cẩm Ninh; đền thờ Đạo Đức Thiên Tôn ở Hồng Vân;… hầu hết các di tích đều được giữ gìn và tôn tạo. Hàng năm, các địa phương tổ chức các lễ hội phong phú, trong đó phải kể đến lễ hội đền Phù Ủng được tổ chức vào tháng giêng hàng năm thu hút hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến thăm quan và dự hội.
Bằng các việc làm thiết thực, hiệu quả, huyện Ân Thi bước đầu thành công trong công tác bồi thường, GPMB để đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông, dự án đầu tư hạ tầng các khu, CCN trên địa bàn, cũng chính là Ân Thi đã thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 12/CT-CTUBND ngày 23/9/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh. Khi hoàn thành công tác GPMB và thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp tâm huyết sẽ là động lực thúc đẩy Ân Thi bứt phá phát triển nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp - dịch vụ, nông nghiệp đô thị - du lịch tâm linh, trải nghiệm; đưa huyện trở thành một trong các trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh Hưng Yên trong tương lai.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI