Đà Nẵng đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; từng bước hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, bền vững phục vụ du lịch và đô thị.
Những thành tựu nổi bật
Thời gian qua, Đà Nẵng đã ban hành các chính sách và hỗ trợ, phát triển theo 03 lĩnh vực mũi nhọn để tạo động lực tăng trưởng, đó là: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái; đẩy mạnh phát triển khai thác xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ, phát triển rừng gắn với trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn. Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 3,1%/năm, các sản phẩm nông nghiệp đã được chuẩn hóa, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP như: Rau Túy Loan, kiệu hương Hòa Nhơn, dưa lưới Afarm, bưởi da xanh Hòa Ninh…; hình thành một số doanh nghiệp, hợp tác xã đóng vai trò hạt nhân, điển hình trong sản xuất nông nghiệp.
Công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Đà Nẵng triển khai gắn với quy hoạch chung thành phố. Trong năm 2022, tập trung triển khai đầu tư 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn đầu tư công tại Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú, sản xuất lúa chuyển đổi mạnh sang sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn kết hợp phát triển các mô hình nông nghiệp phục vụ du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Trên địa bàn thành phố cũng đã hình thành 03 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại Nam Thành (8ha), Phú Sơn 1, 2 (12ha), vùng nuôi tôm Trường Định (35ha); bên cạnh đó có các vùng trồng bưởi da xanh Hòa Ninh (10ha), trồng mía Hòa Bắc (70ha), trồng chuối Hòa Bắc, Hòa Phú (30 ha), vùng trồng chè Hòa Sơn, Hòa Ninh (20ha). Sản xuất nấm đã có sự đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, giá trị kinh tế cao. Hiện thành phố có 03 cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo, phát triển sản phẩm sơ chế, chế biến từ nấm: Cao nấm linh chi, nấm sò khô, tảo xoắn spirulina nguyên chất sấy lạnh,... góp phần phát triển nông nghiệp đô thị.
Lĩnh vực thủy sản phát triển theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, đã tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu tàu thuyền theo hướng vươn khơi, phát triển nghề cá hiện đại, đảm bảo đúng quy định IUU. Tổng số tàu thuyền thành phố đến cuối năm 2021 là 1.241 chiếc, trong đó tàu có chiều dài từ 12m trở lên khai thác tuyến lộng, tuyến khơi là 917 chiếc, chiếm 73,9%. Hệ thống thông tin liên lạc được hình thành thông suốt giữa tàu với tàu, giữa biển với đất liền, đã có 100% tàu thuyền thành phố được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý tàu cá quốc gia Vnfishbase và đã xây dựng 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu thành viên. Đã hoàn thiện dự án nâng cấp Cảng cá Thọ Quang giai đoạn 1, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 dự án và chú trọng công tác vệ sinh môi trường để thực hiện tốt công tác dịch vụ hậu cần nghề cá, hướng đến hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ nghề cá khu vực.
Xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, tính đến cuối năm 2021 thành phố Đà Nẵng có 05/11 xã đạt đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 19 thôn kiểu mẫu, 36 vườn chuẩn đạt mẫu, hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được triển khai đã phát huy nội lực phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đến cuối năm 2021 đã có 40 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 17 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao. Thành phố cũng tăng cường liên kết, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng HACCP, ISO, VietGAP… cho sản phẩm OCOP và đã hỗ trợ, hình thành đưa vào hoạt động 05 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, chủ lực, đặc trưng thành phố.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp thành phố giảm 2,38% so với năm 2020. Bước sang năm 2022, thành phố chỉ đạo tập trung cao độ, triển khai hiệu quả các giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt với dịch Covid-19, gắn với duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Quyết định số 12/QĐ-SNN ngày 13/01/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã xác định chủ đề ngành nông nghiệp năm 2022 là: “Năm phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn để đảm bảo thích ứng an toàn, phát triển bền vững ngành và tăng trưởng ngành nông nghiệp Đà Nẵng”. Đây là năm ngành nông nghiệp Đà Nẵng phải khôi phục sản xuất để tạo động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển nông nghiệp, nông thôn, do đó ngành đã tập trung cơ cấu lại các lĩnh vực sản xuất theo hướng tích hợp đa giá trị, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, phát triển sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái, sản phẩm chủ lực, đặc trưng gắn với Chương trình OCOP và phục vụ du lịch. Ngành nghiên cứu, đề xuất phương án triển khai đầu tư 02 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang để tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI