Ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Vĩnh Long đã tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển kết hạ tầng GTVT, qua đó đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ông Đinh Quang Huy - Phó Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Long đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này. Ngô Khuyến thực hiện.
Ông có thể cho biết hạ tầng GTVT tỉnh Vĩnh Long hiện sẵn sàng ra sao nhằm kết nối tiềm năng, lợi thế, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư?
Xác định rõ vai trò quan trọng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nên xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ, đặc biệt là từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng, phát triển các công trình giao GTVT. Cho đến nay, hệ thống đường bộ đã được đầu tư rộng khắp, trở thành mạng lưới kết nối liên tục giữa thành phố Vĩnh Long với các huyện, giữa trung tâm huyện với các xã và các xóm, ấp, đồng thời nối liền với các khu, cụm công nghiệp và các vùng sản xuất nông nghiệp cũng như các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Cụ thể như:
Về giao thông đối ngoại: Trên địa bàn có 5 tuyến quốc lộ chạy qua với tổng chiều dài 144km, đảm bảo kết nối với các tỉnh trong Vùng và cả nước. Ngoài ra, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa vào khai thác trong năm 2023, tạo thuận lợi hơn cho vận chuyển hành khách và vận tải hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Về giao thông đối nội: Hiện có 10 tuyến đường tỉnh với chiều dài hơn 300km, 400km đường huyện và 650km đường ô tô liên ấp được xây dựng đảm bảo kết nối trung tâm xã với đường tỉnh và quốc lộ. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các tuyến đường theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao.
Về đường thủy: Vĩnh Long nằm giữa sông Tiền và sông Hậu được kết nối nhau bởi sông Măng Thít . Trong tỉnh có 2 cảng lớn là cảng Vĩnh Long và cảng Bình Minh nên rất thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa đường thủy.
Nhìn chung đến nay, hạ tầng giao thông Vĩnh Long đang từng bước hoàn thiện, tạo liên kết giữa các vùng miền; sẵn sàng kết nối tiềm năng, lợi thế; đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và phục vụ nhu cầu nhà đầu tư về làm giàu và xây dựng Vĩnh Long ngày càng phát triển.
Chính phủ, các tỉnh, thành và Vĩnh Long đang quyết liệt vào cuộc nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL bằng việc triển khai hàng loạt các dự án lớn. Với Vĩnh Long, ông nhìn nhận thế nào về “điểm nghẽn” này; tỉnh đang tháo gỡ bằng các hướng đi, giải pháp ra sao và với các công trình, dự án nổi bật nào?
Thời gian qua, mạng lưới GTVT vùng ĐBSCL đã cơ bản phủ khắp với nhiều công trình quan trọng được đầu đưa vào sử dụng, đặc biệt việc hoàn thành nhiều công trình lớn như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi... làm cho kết nối giao thông ngày càng thuận lợi. Hơn thế, việc đưa vào vận hành Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc đã thu hẹp khoảng cách giữa các tỉnh, thành trong Vùng với cả nước và thế giới.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chiều dài đoạn tuyến cao tốc trong Vùng rất thấp, khoảng 40km, mật độ cao tốc đạt 0,2 km/100.000 (chỉ cao hơn khu vực Tây Nguyên); các tuyến trục dọc chưa hỗ trợ QL1 giảm tải. Trên tuyến QL50, QL57, QL60 do cầu Rạch Miễu chỉ có 02 làn xe nên vào các dịp cao điểm thường xảy ra ùn tắc, riêng cầu Đình Khao, cầu Đại Ngãi chưa được đầu tư nên phải lưu thông qua phà; chưa có cao tốc kết nối đến trung tâm Vùng. Tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau hiện mới khai thác đoạn TP.Hồ Chí Minh - Trung Lương, đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận cơ bản hoàn thành, còn đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ đến năm 2023 mới đưa vào sử dụng; hệ thống các tuyến trục ngang nhỏ hẹp (quy mô đường cấp IV - V); kết nối các tuyến đường bộ với cảng biển, cảng thuỷ nội địa hạn chế, tĩnh không nhiều cầu chưa đảm bảo... làm cản trở vận tải hàng hoá, nhất là vận tải container...
Riêng với tỉnh Vĩnh Long, hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là đường bộ còn những bất cập tạo ra “điểm nghẽn”, cụ thể như:
Đối với hệ thống quốc lộ: QL1, QL53, hiện nay lưu lượng xe tăng cao nhưng mặt đường chưa được mở rộng nên thường bị ùn tắc; có nhiều đoạn xuống cấp, ngập sâu gây khó khăn cho việc vận chuyển. Đặc biệt QL54 đoạn qua Vĩnh Long chỉ đạt cấp V với bề rộng mặt là 5,5m. QL57 và QL80 qua tỉnh có chiều dài hạn chế trong khi QL57 bị chia cắt bởi phà Đình Khao (chỉ có 2 phà hoạt động) tạo áp lực lớn trong lưu thông.
Đối với hệ thống đường tỉnh chỉ được đầu tư đạt cấp V đồng bằng, mặt rộng 5,5m; nhiều cầu chỉ đạt tải trọng 10 - 13 tấn nên khả năng lưu thông trên các đường tỉnh bị hạn chế.
Hệ thống đường huyện hầu hết chỉ đảm bảo cho xe 5 tấn nên cũng làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh do chi phí vận chuyển tăng.
Để tháo gỡ các “điểm nghẽn” này, Chính phủ và tỉnh cũng đã nỗ lực đầu tư xây dựng các công trình hiện tại và dự kiến trong giai đoạn đến năm 2025, như các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 và đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; đường Võ Văn Kiệt (thành phố Vĩnh Long); ĐT.907 (đoạn qua huyện Vũng Liêm, Mang Thít); nâng cấp, mở rộng ĐT.902;…
Để phát huy vị trí nằm giữa sông Tiền và sông Hậu - hai tuyến thủy chính của vùng ĐBSCL, tỉnh đã, đang quan tâm đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường thủy ra sao, thưa ông?
Do nằm giữa 2 sông lớn là sông Tiền, sông Hậu và được kết nối bởi sông Măng Thít nên Vĩnh Long có lợi thế lớn về giao thông thủy. Tuy nhiên, 3 tuyến sông này do cấp Trung ương quản lý nên tỉnh chỉ phối hợp trong việc cải tạo, nâng cấp. Những năm qua, tỉnh đã đề xuất Trung ương thực hiện các dự án liên quan như: Nạo vét sông Măng Thít; xây dựng đê bao sông Măng Thít; xây dựng cầu Trà Ôn, cầu Mang Thít để nâng cao tĩnh không thông thuyền;... Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án nạo vét sông Măng Thít; dự án nạo vét sông Tiền và đặc biệt là dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam, trong đó có cải tạo về luồng tuyến cho sông Măng Thít. Sau khi các dự án hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông thủy ở khu vực phía Nam, trong đó có tỉnh Vĩnh Long.
Về phía tỉnh, cùng với quy hoạch điều chỉnh vị trí và nâng cấp cảng Vĩnh Long, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Bình Minh đáp ứng cho tàu trọng tải lớn cập bến. Tỉnh cũng đã đề xuất Bộ GTVT bổ sung quy hoạch một số cảng, bến chuyên dùng dọc sông Tiền, sông Hậu để khai thác tiềm năng vận tải thủy.
Ông đánh giá thế nào về chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính (CCHC) của ngành GTVT những năm qua?
GTVT có thể coi là một trong những ngành nỗ lực và mạnh mẽ nhất trong CCHC, trong đó ngành đã triển khai nhiều dịch vụ công trực tuyến. Điển hình, việc cấp đổi Giấy phép lái xe qua mạng khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhàng và bớt áp lực hơn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc và tạo niềm tin cho nhân dân.
Nhìn chung, công tác CCHC của ngành GTVT thời gian qua đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nâng cao hiệu quả, chất lượng. Hầu hết các thủ tục hành chính đều được quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, trình tự thực hiện rõ ràng. Thời gian thực hiện được rút ngắn đáng kể, nhất là thủ tục cấp các loại giấy phép. Số lượng giấy tờ được giảm bớt và đơn giản hóa. Nhiều thủ tục đã nâng lên mức độ 4 thực hiện trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI