VĨNH LONG

Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long: Nỗ lực vì môi trường kinh doanh lành mạnh

15:59:35 | 30/5/2022

Tuy không có biên giới hay bờ biển nhưng Vĩnh Long lại nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có 05 tuyến quốc lộ chạy qua cùng mạng lưới sông ngòi chằng chịt, là đầu mối giao lưu hàng hoá giữa Vùng với TP.Hồ Chí Minh nên tình hình thị trường khá phức tạp. Trước tình hình đó, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Vĩnh Long đã đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ, nhất là việc đấu tranh chống gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng,... góp sức xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Vững tổ chức để mạnh nghiệp vụ

Ngày 11/10/2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 3697/QĐ-BCT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long trên cơ sở tổ chức Chi cục QLTT trực thuộc Sở Công Thương. Sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, Cục QLTT Vĩnh Long đã được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức; nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện tổ chức bộ máy của Cục gồm: Ban lãnh đạo (Cục trưởng và 03 Phó Cục trưởng); 03 Phòng (Tổ chức-Hành chính; Nghiệp vụ-Tổng hợp; Thanh tra-Pháp chế) và 04 Đội QLTT (03 Đội phụ trách địa bàn và 01 Đội cơ động). Với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, Cục QLTT đã tham mưu Cơ quan Thường trực xây dựng các kế hoạch và báo cáo, cử công chức tham gia Tổ giúp việc và Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Nhờ củng cố tổ chức theo hướng chuyên nghiệp, lực lượng QLTT đã triển khai hiệu quả việc phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; vi phạm chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm và gian lận thương mại;… đồng thời thực hiện đúng quy định trong việc kiểm tra và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT.

Công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng luôn chặt chẽ, thống nhất, kịp thời. Cụ thể, Cục đã phối hợp tốt với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, các ngành, các địa phương tham mưu kịp thời Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND tỉnh các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật thương mại; chống các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại và trốn lậu thuế. Từ năm 2019 đến nay, Cục đã ký Quy chế/Kế hoạch phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Công Thương; Cục Thuế tỉnh; Công an tỉnh; Công ty Xăng dầu Vĩnh Long; Bưu điện tỉnh Vĩnh Long... nhằm tạo thuận lợi trong phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin, cử lực lượng tham gia phối hợp kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là việc tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ của các đoàn kiểm tra liên ngành do Ban Chỉ đạo 389 thành lập.

Các Đội QLTT luôn đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường và tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với hình thức đa dạng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong hoạt động kinh doanh thương mại cho tổ chức, cá nhân, từ đó góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ hoạt động thương mại hợp pháp và lợi ích người tiêu dùng.

Trong 3 năm qua, Cục QLTT Vĩnh Long đã luôn đoàn kết, thống nhất, luôn nỗ lực phấn đấu và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần ổn định thị trường và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Riêng năm 2021, Cục đã tiến hành kiểm tra 414 vụ, xử lý số vụ vi phạm là 301 vụ; số tiền xử phạt, nộp ngân sách là 3.097 triệu đồng.                                      

Bám sát thị trường trong và sau dịch

Trước biến động phức tạp của thị trường khi dịch Covid-19 bùng phát trong 2 năm 2020 - 2021, Cục QLTT đã tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp nên đã từng bước ổn định thị trường.

Cụ thể, Cục QLTT đẩy mạnh triển khai các kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm đã được Tổng Cục trưởng phê duyệt, trong đó tập trung vào các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh; hoạt động kinh doanh xăng dầu, khí (gas), thực phẩm, rượu, thuốc lá, hóa chất. Bên cạnh đó, Cục QLTT đặc biệt quan tâm đến hoạt động kinh doanh trên thị trường về trang thiết bị y tế liên quan đến phòng chống dịch bệnh, mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng điện tử, sản phẩm thời trang; các nhóm sản phẩm thực phẩm thuộc phạm vi quản lý… Đấu tranh hiệu quả trong công tác phòng, chống các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa để góp phần phát triển sản xuất trong nước, bình ổn thị trường, mở rộng giao thương hàng hóa, dịch vụ; nâng cao hiệu quả quản lý; bảo vệ quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng...

Ngoài ra, Cục QLTT thường xuyên cử công chức tham gia các Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh và cấp huyện; tích cực tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong các đợt cao điểm hàng năm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội; Tháng hành động “Vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”; Tết Trung thu;... lực lượng QLTT đều tích cực tham gia các đoàn kiểm tra như: Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh; Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm; Đoàn kiểm tra trật tự an toàn giao thông; quản lý giá, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước Tết Nguyên đán;…

Ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong thời gian tới, Cục tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng giả, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đảm bảo công bằng giữa các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh; bình đẳng trong giải quyết các kiến nghị, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân và quyền lợi người tiêu dùng.

Nguồn: Vietnam Business Forum