VĨNH LONG

Huyện Mang Thít: Tạo bứt phá toàn diện

10:00:23 | 31/5/2022

Với tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, huyện Mang Thít đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, thu hút đầu tư để thúc đẩy phát triển toàn diện nông - công nghiệp - du lịch trong năm 2022, tạo đà bứt phá toàn diện giai đoạn 2021-2025. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Diên - Chủ tịch UBND huyện.

Huyện Mang Thít đang lan toả kết quả đạt được trong năm 2021 ra sao, thưa ông?

Do tác động của dịch Covid -19, năm 2021 là năm đối mặt với nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp nên Mang Thít vẫn đạt một số kết quả đáng kể. Phát huy kết quả này trong năm 2022, huyện đã đề ra mục tiêu trong công tác điều hành phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; tập trung phối hợp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn đầu tư công; huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng đồng bộ. Huyện cũng quan tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo trong quản lý điều hành; chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Quản lý chặt chẽ tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội.

Mang Thít đang trở thành điểm sáng trong phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM); ông có chia sẻ thế nào về quá trình này?

Ngành nông nghiệp tiếp tục được xem là ngành trụ đỡ phát triển. Do vậy thời gian qua huyện đã tập trung vào phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh, đồng thời tạo điều kiện mời gọi, thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, liên kết và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ gắn với công nghiệp chế biến nông nghiệp và đạt được kết quả khả quan, duy trì mức tăng 2,61%, góp phần phát triển kinh tế huyện nhà.

Huyện đã, đang chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tiếp tục quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, trong đó quan tâm vai trò của tổ kinh tế hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp: từ việc tổ chức sản xuất, hình thành sản phẩm tập trung,... đến đầu ra sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh cho nông sản.

Cùng với nông nghiệp, huyện còn tập trung mọi nguồn lực xây dựng NTM, nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần người dân ở nông thôn. Huyện chỉ đạo quyết liệt, nhất là đối với các xã trong lộ trình xây dựng NTM năm 2022; 2 tuần/lần sơ kết nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để sớm đạt kế hoạch đề ra (năm 2022 huyện tập trung thực hiện vào 01 xã NTM, 01 xã NTM nâng cao, 03 ấp NTM kiểu mẫu và 01 xã vào lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu), phấn đấu cuối năm 2025 huyện đạt chuẩn huyện NTM.

Để phát huy vai trò là bộ phận quan trọng trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, hiện Mang Thít đang kêu gọi các dự án đầu tư nào?

Huyện đã tranh thủ cùng với các sở, ngành tỉnh xúc tiến kêu gọi đầu tư 07 dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Cụ thể gồm các dự án: Khu công nghiệp An Định tại xã An Phước quy mô 200ha; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp ấp Ba (thị trấn Cái Nhum) 21,66ha; Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp ấp Nhất B (thị trấn Cái Nhum) 24,37ha; Di sản đương đại Mang Thít (các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh) 3.000ha; khu dân cư, tái định cư khu công nghiệp An Định (xã An Phước) 26ha; Chỉnh trang đô thị, thị trấn Cái Nhum 5,36ha và Dự án khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (các xã Bình Phước, Long Mỹ, Tân Long, Mỹ Phước, thị trấn Cái Nhum) quy mô 50 - 100ha.

Việc triển khai Đề án Di sản đương đại Mang Thít (Quyết định số 3502/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của UBND tỉnh) đang mở ra cơ hội lớn cho phát triển du lịch trên địa bàn; vậy huyện đang đón bắt vận hội này thế nào?

Để thúc đẩy phát triển du lịch những năm tới, huyện đang đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường thủy theo các dòng kênh - Đây là nét đặc sắc phục vụ tham quan các quần thể di sản. Huyện cũng rà soát, điều chỉnh và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với thực hiện các quy hoạch ngành đã được phê duyệt.

Đặc biệt, Mang Thít tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhất là về thủ tục hành chính, bảo đảm nhanh, gọn, chất lượng và hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Qua đó, huy động tối đa nguồn lực xã hội đầu tư cho di sản; giúp di sản đương đại Mang Thít không chỉ trở thành điểm đến về du lịch mà còn là điểm đến về đầu tư. Mục tiêu hướng đến là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và các hộ kinh doanh; tạo điều kiện và hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp vừa, nhỏ được “cùng hưởng lợi” trong quá trình bảo tồn di sản và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Từ đó, tạo ra các lợi ích cho các bên liên quan, trong đó có việc giúp người dân địa phương có thể phát triển sinh kế, hưởng lợi từ Đề án.


Làng nghề làm gạch nung ở huyện Mang Thít hình thành cách đây hơn 100 năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trước mắt, huyện đang nghiên cứu việc xây dựng các điểm, khu trưng bày và bán sản phẩm lưu niệm ngành nghề gạch, gốm, gắn kết phục vụ du khách trong các tour du lịch văn hóa làng nghề và du lịch mua sắm, đồng thời qua đó quảng bá tiêu thụ sản phẩm thông qua khách du lịch trong và ngoài nước.

Một vài đánh giá của ông về tiềm năng và định hướng thu hút đầu tư vào Mang Thít những năm tới?

Mang Thít nằm cách TP.Vĩnh Long chỉ 20km, được bao bọc bởi 2 con sông lớn Cổ Chiên và Măng Thít, có Quốc lộ 53 chạy qua tạo nhiều thuận lợi trong việc giao lưu hàng hóa.

Huyện cũng có quỹ đất nông nghiệp rộng lớn (11.449,09ha/15.984,64ha đất tự nhiên), được phù sa bồi đắp hàng năm đảm bảo độ phì nhiêu lại ít bị ảnh hưởng xâm nhập mặn; tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Do nằm giữa hai sông lớn và là trục giao thông thủy giữa TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ, trên địa bàn có nhiều làng nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống tại các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh và nhiều vườn cây trái đặc sản,... là tiềm năng lớn cho du lịch sinh thái vườn phát triển. Hơn thế, huyện có nguồn nhân lực dồi dào với 65 nghìn lao động và có tới 75,08% đã qua đào tạo.

Ngoài tuyến công nghiệp Cổ Chiên (khu V) nằm dọc theo sông Cổ Chiên đang hoạt động, trên địa bàn cũng được quy hoạch Khu công nghiệp An Định; cụm công nghiệp ấp Ba; cụm công nghiệp ấp Nhất B... là lợi thế để thúc đẩy phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trong tương lai.

Trong giai đoạn 2021- 2025, huyện sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực như chế biến nông sản - thực phẩm, rau quả và các sản phẩm từ trái cây; chế biến thủy sản; các sản phẩm từ chăn nuôi; công nghiệp hàng tiêu dùng, dệt may, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp lắp ráp điện tử, bao bì, công nghiệp dược phẩm - mỹ phẩm; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch... với định hướng chú trọng sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Hiện huyện đang thực hiện bộ thủ tục hành chính công theo Đề án 30 đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó các thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai quy trình, giải quyết theo nguyên tắc một cửa liên thông, qua đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong giao dịch hành chính.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum