Cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Nam Định tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và hộ nông dân hình thành các liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Dây chuyền công nghệ sản xuất, chế biến ngao hiện đại của Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam
Là tỉnh trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, có 72 km bờ biển, Nam Định có trên 90 ngàn ha đất canh tác phù sa màu mỡ và trên 17 ngàn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Vùng đất này còn được biết đến với nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực (lúa, rau, củ, hoa, cây cảnh, thịt lợn, gà, ngao, tôm nước lợ); vừa có cảng biển, vừa có cảng nội địa ICD ngay trong thành phố Nam Định; hệ thống giao thông khá hoàn thiện, thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương trong nước và quốc tế... Đây là tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Nam Định.
Tỉnh Nam Định xác định phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trong đó phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một xu hướng tất yếu và là nội dung quan trọng của cơ cấu lại nông nghiệp và công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Để thực hiện hướng đi trên, tỉnh đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm thu hút tối đa doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 2.974 cơ sở chuyên sơ chế, chế biến nông, lâm, thủy sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, điển hình như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty Cường Tân, Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam,... góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đồng thời, tỉnh xây dựng và phát triển nhân rộng quy mô 35 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các nông sản, thực phẩm hàng hóa với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và các hộ nông dân. Đẩy mạnh xúc tiến và thu hút đầu tư tại chỗ thông qua việc liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp đóng trên địa bàn với các đối tác nước ngoài hay tỉnh bạn, đặc biệt là chương trình hợp tác nông nghiệp với Nhật Bản (Công ty TNHH Cường Tân và Công ty Ajichi Farm, tỉnh Fukui (Nhật Bản) thành lập Công ty liên doanh tổ chức hợp tác sản xuất và chế biến sản phẩm từ các giống lúa Nhật; Công ty cổ phần Muối và Thương mại Nam Định hợp tác với Công ty Nông nghiệp Shi-I (Nhật Bản) trong việc tiêu thụ muối).
Thời gian tới, Nam Định tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, tạo việc làm tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa, tạo quỹ đất hình thành các cánh đồng mẫu lớn làm cơ sở để tỉnh quy hoạch cũng như tạo điều kiện để kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư xây dựng và phát triển mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tăng cường liên kết, mở rộng quy mô sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế hộ và kinh tế trang trại. Củng cố và phát triển các loại hình hợp tác xã; khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân.
Đồng thời, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, thông thoáng, bình đẳng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tỉnh sẽ có cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư dây chuyền chế biến gắn với nguồn nguyên liệu. Thực hiện hợp tác trong nước và quốc tế (tập trung triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định với tỉnh Miyazaki và Trường Đại học Minami Kyushu - Nhật Bản), thực hiện hiệu quả các dự án hỗ trợ như các dự án trồng rừng ứng phó với biến đổi khí hậu do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ…
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI