CẦN THƠ

Dồn lực gỡ “điểm nghẽn” hạ tầng giao thông vận tải

10:15:30 | 3/8/2022

Với quyết tâm mạnh mẽ cùng sự vào cuộc quyết liệt, các cấp chính quyền thành phố Cần Thơ đang thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn phát triển” về hạ tầng giao thông vận tải (GTVT); qua đó khơi thông các lợi thế, tiềm năng đưa Cần Thơ bứt phá phát. Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP.Cần Thơ đã trao đổi với phóng viên về vấn đề này.

Hiện Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đang triển khai nhiều dự án lớn tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ngành GTVT Cần Thơ đang “tiếp sức” quá trình trên, đồng thời tạo sự đồng bộ, liên hoàn bằng các nhiệm vụ, giải pháp nào, thưa ông?

Nhằm khơi thông “điểm nghẽn phát triển” cho vùng ĐBSCL, Bộ GTVT  đang triển khai đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án qua địa bàn Cần Thơ: Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (đã khai thác từ 30/4/2022); Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (hoàn thành năm 2023); Dự án nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ và Dự án nâng cấp mặt đường tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi thuộc cao tốc Bắc Nam phía tây (giai đoạn 2022 - 2025);...

Để tạo kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc, quốc lộ trên, Cần Thơ cũng triển khai nhiều dự án lớn: Đường vành đai phía Tây (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C); Đường Hẻm 91 (đoạn Long Tuyền đến Đường vành đai phía Tây thành phố); Cải tạo, mở rộng 05 nút giao trọng điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều; Đường tỉnh 917; Đường tỉnh 918; Đường tỉnh 921; Đường tỉnh 923; Cầu Cờ Đỏ... Tương lai gần, hệ thống GTVT Cần Thơ sẽ kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông đối ngoại đến các tỉnh vùng ĐBSCL.

Về đường thuỷ, Bộ GTVT đang đầu tư dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics cấp quốc gia khu vực phía Nam và dự án Xây dựng hoàn chỉnh kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 (khởi công 19/12/2021). Trên cơ sở đó, thàh phố sẽ kêu gọi đầu tư xây dựng cảng tổng hợp hành khách và hàng hóa loại I (khu vực bến phà Cần Thơ cũ) và một số cảng thủy nội địa hành khách trên sông Hậu, sông Cần Thơ phục vụ các tuyến từ bờ ra đảo, đi các tỉnh trong vùng, TP.Hồ Chí Minh và cả nước.

Về đường biển, Bộ GTVT đã tổ chức khởi công dự án xây dựng hoàn chỉnh Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 vào ngày 28/12/2021. UBND TP đã có Tờ trình số 61/TTr-UBND ngày 05/5/2022 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp tham mưu thành lập một doanh nghiệp liên doanh để khai thác hiệu quả nhất cụm cảng Cái Cui.

Với đường hàng không, Bộ GTVT đang lập Đề án “Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không” trong đó có nội dung thực hiện thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác để nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ theo định hướng quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030 đạt công suất 7 triệu hành khách/năm. Sau khi Đề án phê duyệt, Bộ GTVT sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành và thành phố xây dựng phương án đầu tư theo hình thức PPP trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cần Thơ cũng đang rà soát, bổ sung quy hoạch Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL (có Trung tâm logistics diện tích 100ha phục vụ thông qua hàng hóa tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ) để tích hợp vào đồ án Quy hoạch thành phố Cần Thơ.

Về đường sắt, trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT đang lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ (đã lấy ý kiến góp ý Báo cáo đầu kỳ tại UBND TP.Cần Thơ ngày 12/5/2022) làm cơ sở sớm triển khai trước năm 2030. TP cũng đã rà soát, bổ sung quy hoạch đất giành cho khu đô thị TOD xung quanh và các trục đường kết nối với nhà ga để tích hợp vào đồ án Quy hoạch thành phố Cần Thơ đảm bảo khai thác đồng bộ, liên hoàn với nhà ga đường sắt.

Để “tiếp sức” quá trình trên, Cần Thơ đang ưu tiên phân bổ nguồn vốn ngân sách, đảm bảo nhu cầu cho các dự án do thành phố quản lý. Thành phố cũng bố trí ngân sách 1.061 tỷ đồng hỗ trợ 50% chi phí giải phóng mặt bằng các dự án, đồng thời tăng cường quản lý hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng, đất đai; đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và tái định cư đảm bảo đưa vào khai thác các dự án theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ tạo cơ hội phát triển nào cho ngành GTVT trên địa bàn?

Những năm gần đây, có tới 70% hàng hóa Vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ để đến các cảng quốc tế Vùng Đông Nam Bộ (17-18 triệu tấn trị giá 18 tỷ USD/năm) khiến chi phí tăng (10 - 40% giá thành), gây khó khăn lớn cho người dân và doanh nghiệp.

Cần Thơ có tuyến hàng hải sông Hậu, cảng biển Cần Thơ là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực loại I thuộc cảng biển nhóm 5, trong đó khu bến Cái Cui có thể tiếp nhận tàu đến 20.000 tấn cùng với các khu bến (Hoàng Diệu - Bình Thủy, Trà Nóc - Ô Môn, Thốt Nốt) nằm dọc theo sông Hậu có quy mô tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn. Bên cạnh đó, luồng hàng hải Định An - Cần Thơ nối từ cửa Định An (Trà Vinh) với sông Hậu đi qua Cần Thơ đến Châu Đốc (An Giang) và Campuchia, là lợi thế rất lớn để phát triển vận tải biển và đưa Cần Thơ trở thành trung tâm logistics khu vực.

Song luồng Định An - sông Hậu đã bị bồi lắng tự nhiên nhưng do ngân sách hạn chế nên từ năm 2017 đến nay chưa được nạo vét nên tàu trên 7.000 tấn không ra vào được sông Hậu. Việc ban hành cơ chế, chính sách triển khai các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ là hết sức cấp bách, bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu tải trọng trên 10.000 tấn vào các cảng của TP.Cần Thơ.

Thời gian tới, khi Cần Thơ phát triển đồng bộ kết cấu hạ sẽ thu hút được phần lớn nguồn hàng hóa xuất khẩu; từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho Cần Thơ và nâng cao sức cạnh tranh của toàn Vùng.

TP.Cần Thơ đang nỗ lực ra sao nhằm đẩy nhanh tiến độ Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ theo Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV?

TP.Cần Thơ đang đề nghị Bộ GTVT một số nội dung: Nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy mô nạo vét luồng cho tàu từ 10.000 tấn trở lên ra, vào các cảng trên sông Hậu, dự kiến độ sâu từ -6,5m đến -10,5m tại danh mục dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp thu hồi sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT (Quyết định số 963/QĐ-BGTVT ngày 31/5/2021); đồng thời, bổ sung thêm các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư được quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 45/2022/QH15 vào Danh mục dự án nhằm hấp dẫn nhà đầu tư.

 Sau khi danh mục dự án được điều chỉnh, TP.Cần Thơ phối hợp với Bộ GTVT, các tỉnh khu vực dự án, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức kêu gọi nhà đầu tư đề xuất phương án cụ thể về quy mô chuẩn tắc thiết kế, công nghệ thi công, phương án tận thu sản phẩm... Sau khi có kết quả nghiên cứu đảm bảo tính khả thi (về kỹ thuật và kinh tế), nhà đầu tư có trách nhiệm trình Cục Hàng hải Việt Nam thẩm định, báo cáo Bộ GTVT xem xét phê duyệt và chỉ đạo tổ chức thực hiện các bước tiếp theo.

Ngành GTVT có đề xuất, kiến nghị gì tới các Bộ, ban ngành Trung ương, cũng như cam kết ra sao với nhà đầu tư đang, sẽ đến Cần Thơ?

Nhằm tạo sự bứt phá phát triển của Cần Thơ và Vùng ĐBSCL, Trung ương đã ban hành các chủ trương, quyết sách lớn: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022, Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội khóa XV... Trên cơ sở đó, TP.Cần Thơ sẽ phối hợp với các tỉnh đề xuất, kiến nghị Trung ương tiếp tục ưu tiên, tạo cơ chế để Vùng ĐBSCL huy động được tối đa nguồn vốn khác nhau để đầu tư phát triển hạ tầng GTVT đồng bộ và hiện đại.

TP.Cần Thơ cũng tăng cường kêu gọi đầu tư, xã hội hóa trên nhiều lĩnh vực như: cảng thủy nội địa, bến xe khách, bãi đỗ xe công cộng, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, giao thông thông minh... TP sẽ tạo thuận lợi và vận dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng nhất; sẵn sàng tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư sớm triển khai, đưa dự án vào hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp và kinh tế - xã hội địa phương.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum