Thành phố Châu Đốc luôn là một trong những địa phương của tỉnh An Giang đi đầu trong đổi mới, tăng trưởng và phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội. Phóng viên Vietnam Business Forum có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc xung quanh những thành tựu và định hướng phát triển của thành phố. Hoàng Ngọc thực hiện.
Ông có thể cho biết những cột mốc đáng nhớ trong sự phát triển của thành phố Châu Đốc?
Như bạn đã biết, năm 2001, lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Đến năm 2014, lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, Lễ hội tiếp tục được đệ trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2013, sau thời gian dài nỗ lực xây dựng, tăng trưởng và phát triển, Châu Đốc được chính thức công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh An Giang (trước đây là thị xã). Đến năm 2015, thành phố Châu Đốc tiếp tục được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang.
Tiếp đó, vào năm 2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; năm 2018, Khu du lịch Núi sam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Khu Du lịch Quốc gia Núi Sam, tỉnh An Giang và năm 2019, nhân dân và cán bộ thành phố Châu Đốc được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba.
Đó là những cột mốc đáng nhớ, đáng tự hào nói lên sự trưởng thành và phát triển của thành phố Châu Đốc.
Phát huy những thành tựu đạt được, định hướng phát triển của Châu Đốc những năm tới như thế nào, thưa ông?
Trên cơ sở xác định vai trò, vị trí quan trọng của thành phố Châu Đốc trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của tỉnh An Giang và của khu vực, thành phố Châu Đốc sẽ ưu tiên đầu tư, xây dựng để từng bước trở thành đô thị du lịch thông minh, từng bước hiện đại, lấy lợi thế du lịch tâm linh làm chủ đạo gắn với du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trong đó phát triển nông nghiệp sinh thái và sản xuất tiểu thủ công nghiệp phục vụ, bổ trợ ngành du lịch. Song song đó, đẩy mạnh đô thị hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, tập trung xây dựng Châu Đốc trở thành trung tâm dịch vụ tài chính, hình thành kinh tế biên mậu, xây dựng địa bàn kinh tế mở kết hợp chuỗi dịch vụ logictis.
Victoria Núi Sam (TP. Châu Đốc)
Kinh tế - xã hội thành phố Châu Đốc chịu ảnh hưởng như thế nào bởi đại dịch Covid và thành phố đã nỗ lực vượt qua với kết quả đạt được ra sao, thưa ông?
Trong bối cảnh sự tăng trưởng, phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung, tỉnh An Giang nói riêng bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh Covid-19, là địa phương biên giới và cũng là địa phương trọng điểm du lịch của tỉnh, với đặc thù ngành thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, có thể nói thành phố Châu Đốc là một trong những huyện, thị, thành gặp nhiều khó khăn, thách thức nhất trên địa bàn tỉnh An Giang. Lượt khách tham quan đến thành phố giảm đáng kể, giảm 41,61% so với cùng kỳ. Công tác mời gọi thu hút đầu tư bị đình trệ; nguồn lực cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh rất lớn, làm mất cân đối trong lĩnh vực đầu tư, công trình dự án chậm lại, hụt thu ngân sách phường, xã, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác của địa phương bị ảnh hưởng. Việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội thành phố làm phát sinh những vấn đề an sinh xã hội bức thiết, nhất là việc giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Những cung đường xanh, sạch ở TP Châu Đốc
Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực và mọi mặt đời sống, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố vẫn đạt kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Thành phố đã tổ chức thực hiện hoàn thành 12/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội (trong đó, 07 chỉ tiêu vượt so với Nghị quyết); các giải pháp phòng, chống dịch bệnh được triển khai có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát tốt; đảm bảo ổn định đời sống và tâm lý người dân thành phố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững.
Hiện nay, để phục hồi và phát triển kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động, thành phố Châu Đốc có những giải pháp gì?
Hiện nay, các biện pháp hỗ trợ, kích thích phục hồi sản xuất, kinh doanh đã được thành phố tập trung, khẩn trương triển khai thực hiện, đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cụ thể, thành phố đẩy mạnh phát triển thương mại biên mậu theo đường chính ngạch. Phát triển các mạng lưới thương mại, dịch vụ, chuỗi cung ứng theo ngành hàng. Đổi mới, nâng chất các hoạt động, mở rộng đa dạng các chuỗi sự kiện thuộc phần hội của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam trên cơ sở vẫn giữ gìn, phát huy giá trị các nghi thức truyền thống nhằm thu hút du khách, phát triển hiệu quả lĩnh vực du lịch của thành phố, từ đó, tạo thêm động lực cho các ngành thương mại, dịch vụ phụ trợ phục hồi và phát triển. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt, kịp thời, đúng theo quy định các chính sách an sinh xã hội, nhất là ưu tiên tập trung chăm lo đời sống cho các đối tượng dễ bị tổn thương. Rà soát, hỗ trợ cho người dân vay vốn tái sản xuất; tăng cường hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo hướng liên kết, mở rộng thị trường lao động ngoài tỉnh cho lao động địa phương. Đẩy nhanh đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm có tác động thúc đẩy, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước… Tăng cường thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện đầu tư trên địa bàn thành phố.
Ông có thể cho biết những cam kết cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà đầu tư của thành phố?
Phương châm của UBND thành phố Châu Đốc là xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, tận tâm phục vụ hiệu quả. Đến với Châu Đốc là đến với môi trường kinh doanh ổn định, thông thoáng, minh bạch với bộ máy chính quyền năng động, sáng tạo, thân thiện và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tiếp cập nguồn lực của địa phương.
UBND thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực tương xứng nhất cho công cuộc hỗ trợ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; đồng thời sẵn sàng xử lý nghiêm mọi vấn đề, hành vi tiêu cực vi phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi đến tham gia đầu tư tại thành phố.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI