KIÊN GIANG

Tích cực giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP

14:09:09 | 6/9/2022

Với quyết tâm cao, ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang đã triển khai hiệu quả gói tín dụng chính sách ưu đãi trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách kịp thời, đúng đối tượng, góp phần phục hồi kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn.

Ông Trần Văn Phước - giám Đốc  NHNN Chi Nhánh Tỉnh Kiên Giang

Ông Trần Văn Phước - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Kiên Giang cho biết để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, ngày 30/1/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Tại Nghị quyết, có 2 gói chính sách tài khóa được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng gồm: Ngân sách sử dụng 40.000 tỷ đồng thông qua Ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong 9 ngành đã được đăng ký kinh doanh theo quy định tại Quyết định số 27/2018 của Thủ tướng Chính phủ (thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ và 3.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% cho các đối tượng vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách có lãi suất hiện hành trên 6%); Chính phủ tăng hạn mức bảo lãnh đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tối đa 38.400 tỷ đồng để triển khai thực hiện hiệu quả 5 chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH (cho vay giải quyết việc làm; cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo Nghị định 100; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và chi phí học tập; cho vay thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; cho vay đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động theo yêu cầu phòng chống dịch).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, NHNN tỉnh Kiên Giang đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai các chính sách đến các cấp, các ngành và thông qua các cơ quan truyền thông thông tin về chính sách đến các đối tượng thụ hưởng; đề xuất UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo để các cấp, các ngành phối hợp trong triển khai thực hiện chính sách. Các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tổng hợp đề xuất đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng đủ điều kiện về hội sở chính để phân bổ hạn mức thực hiện; sẵn sàng nhân lực hỗ trợ khách hàng thực hiện các trình tự thủ tục thụ hưởng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cũng được NHCSXH Việt Nam phân bổ tăng hạn mức cho vay 5 chương trình theo chỉ đạo 216,3 tỷ đồng và NHCSXH tỉnh đã giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố trong tỉnh (đã giải ngân cho vay được 9 tỷ đồng và thực hiện hỗ trợ lãi suất 25.485 món, dư nợ được hỗ trợ lãi suất 804 triệu đồng). Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi cho vay, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN đối với 7.400 khách hàng, dư nợ được cơ cấu lại, miễn giảm lãi 3.984 tỷ đồng.

Để đưa gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả cao, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định và NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn, NHNN tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch hành động và toàn ngành Ngân hàng cũng đã vào cuộc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, NHNN tỉnh Kiên Giang tăng cường các biện pháp để quán triệt, triển khai nội dung chương trình đến từng TCTD; chỉ đạo các TCTD chuẩn bị nhân lực, điều kiện triển khai, hỗ trợ hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ, điều kiện để được thụ hưởng chính sách; đẩy mạnh công tác tuyền thông (triển khai trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng, thông qua các phương tiện truyền thông, thông qua các sở ngành, hiệp hội ngành nghề quán triệt đến đối tượng thụ hưởng,…); quá trình triển khai chính sách đảm bảo công khai, minh bạch, phân công cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp từng khách hàng.

Song song đó, NHNN tỉnh cũng chủ động phối hợp với các cấp, các ngành quán triệt, triển khai chính sách đến đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, điều kiện để thụ hưởng; nắm bắt, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình triển khai chính sách. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ tại các TCTD, hạn chế thấp nhất các trường hợp trục lợi từ chính sách thông qua các cuộc thanh, kiểm tra, các hoạt động giám sát của cộng đồng, chính quyền các cấp, tổ chức đoàn thể…

Theo ghi nhận của ông Trần Văn Phước, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi cũng góp phần gỡ khó cho ngành Ngân hàng hậu Covid -19. Để vừa đảm bảo hiệu quả hỗ trợ khách hàng vừa đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, thời gian tới ngành Ngân hàng tỉnh Kiên Giang tiếp tục tập trung vốn tín dụng phục vụ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đáp ứng thủ tục, điều kiện được thụ hưởng. Chỉ đạo các TCTD ưu tiên cho vay các lĩnh vực hoạt động có liên quan đến lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, giảm dần tỷ trọng dư nợ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ (mở rộng phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với chiến lược tài chính toàn diện và chuyển đổi số theo Đề án của Chính phủ, kế hoạch của NHNN; tăng cường minh bạch, công khai về quy trình, hồ sơ thủ tục, thời gian cung cấp dịch vụ, lãi suất, phí cho vay; tuyên truyền và hướng dẫn khách hàng vay hiểu rõ các thông tin liên quan đến dịch vụ, sản phẩm của TCTD) gắn với chỉ đạo, giám sát sát sao các TCTD thực hiện nghiêm túc các quy định và chỉ đạo của NHNN về lãi suất huy động, lãi suất cho vay và phí dịch vụ; tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất, kinh doanh.

(Vietnam Business Forum)