Tỉnh Phú Yên đang tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” phát triển về hạ tầng thiết yếu, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng,… đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính (CCHC). Thông qua việc giải quyết triệt để vướng mắc trong đầu tư, sản xuất - kinh doanh (SXKD), tỉnh quyết tâm khơi thông nguồn lực đầu tư đưa kinh tế - xã hội bứt phá. Vietnam Business Forum đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Hữu Thế - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên về vấn đề này.
Tỉnh Phú Yên đang quyết liệt triển khai các giải pháp, nhiệm vụ phục hồi kinh tế, thúc đẩy hoạt động SXKD. Ông có thể cho biết kết quả nổi bật tỉnh đã đạt được trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2022?
Trong các tháng đầu năm 2022, tỉnh đã ban hành các chương trình hành động, kế hoạch, chỉ thị triển khai và quyết liệt vào cuộc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nổi bật như đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 20/6/2022 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Tỉnh cũng phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Báo cáo tư vấn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch, hoạt động; trong đó tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi, phát triển SXKD.
Nhờ vậy, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế tỉnh đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước; các khu vực của nền kinh tế cơ bản phục hồi và khởi sắc. Nổi bật là GRDP tăng 5,22% (6 tháng đầu năm 2021 tăng 2,62%; 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,93%); tổng thu ngân sách đạt 53% dự toán Trung ương giao, 39,8% dự toán tỉnh và bằng 87,2% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong các tháng cuối năm, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, kịp thời chỉ đạo của Chính phủ; tập trung cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; chỉ đạo thực hiện sản xuất vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2022 đạt hiệu quả; tăng cường công tác phòng, chữa cháy rừng, thiên tai, cứu hộ cứu nạn, đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, tỉnh đang tập trung kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN đầu tư hạ tầng, SXKD; tháo gỡ “điểm nghẽn” về đất đai, giải phóng mặt bằng, TTHC; đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2022... Bên cạnh đó là đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt các quy hoạch trong năm 2022, như: Quy hoạch chung Khu kinh tế (KKT) Nam Phú Yên; Quy hoạch chung thành phố Tuy Hòa; Điều chỉnh cục bộ quy hoạch tuyến đường bộ ven biển…; Rà soát các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết do các nhà tài trợ hỗ trợ bằng sản phẩm; có kế hoạch đôn đốc, xử lý nếu chậm thực hiện, đồng thời, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục để sớm triển khai và kiên quyết xử lý các dự án chậm tiến độ.
Ngoài ra, tỉnh sẽ thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ CCHC, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, nâng cao chỉ số PCI; tích cực xây dựng Chính quyền điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công; đẩy mạnh số hóa trên một số lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, tài nguyên và môi trường.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ông đánh giá thế nào về tình hình triển khai nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể là: Đẩy mạnh CCHC, nâng cao các chỉ số liên quan đến CCHC; cải thiện đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN phát triển,… ?
Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo mọi thuận lợi cho DN và nhà đầu tư. Trong lĩnh vực đăng ký DN, tỉnh cũng đã thực hiện hiệu quả việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC; giảm chi phí thời gian, giúp DN sớm gia nhập thị trường; hướng dẫn, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi sang DN. Đến nay, số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt 4.100 doanh nghiệp, tăng 18% so với năm 2020.
Công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh, đã thu hút nhiều dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ du lịch, năng lượng sạch... Cụ thể năm 2021, tỉnh đã triển khai xúc tiến đầu tư theo hình thức trực tuyến song phương với một số nhà đầu tư Thụy Điển về phát triển các dự án điện gió, với nhà đầu tư Ấn Độ về Công viên dược đẳng cấp quốc tế và nhà đầu tư Singapore về dự án điện gió và Trung tâm dữ liệu... Bên cạnh việc tham gia nhiều hội nghị, hội thảo và chương trình đối thoại trực tuyến nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng cơ hội và môi trường đầu tư, lãnh đạo tỉnh đã làm việc với nhiều tập đoàn lớn, cung cấp thông tin về thị trường, cơ hội giao thương, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại tại nước ngoài,…
Trong những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới lề lối làm việc, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, đẩy mạnh CCHC gắn với xây dựng chính quyền điện tử, quyết tâm xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, DN đầu tư và triển khai SXKD trên địa bàn thuận lợi.
Ông Trần Tuấn Anh (áo trắng ở giữa), Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Đại Dương (thứ hai từ trái sang), Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên; ông Trần Hữu Thế (thứ tư từ trái sang), Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khảo sát khu vực dự kiến đầu tư tại cảng Bãi Gốc, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên
Với việc ban hành Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 18/3/2022 cho thấy Phú Yên đang thúc đẩy quá trình CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Xin ông cho biết rõ hơn vấn đề này?
Đẩy mạnh CCHC khó nhất là cải cách người thực hiện; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu sẽ làm đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, ý nghĩa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy chuyển biến hoạt động quản lý nhà nước, tác động trực tiếp và toàn diện quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Do vậy, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Phú Yên, trong đó Trưởng ban là Chủ tịch UBND tỉnh, các Phó trưởng ban và thành viên là giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. UBND tỉnh đã chỉ đạo phân công thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố trực tiếp phụ trách, theo dõi CCHC; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như cán bộ, công chức, viên chức về vai trò, ý nghĩa và nội dung công tác CCHC.
Tỉnh đang triển khai đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách: Thể chế, TTHC, Tổ chức bộ máy hành chính, Chế độ công vụ, Tài chính công và Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử - chính quyền số. Người đứng đầu cơ quan hành chính có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp; trách nhiệm việc xử lý các khuyết điểm, hạn chế trong CCHC. Kết quả đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ CCHC là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị và địa phương.
Ban hành Quyết định này là cụ thể hóa quyết tâm, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, không né tránh, cả hệ thống cùng nhìn nhận, khắc phục khuyết điểm, yếu kém. Qua đó, Phú Yên cũng mong muốn lan tỏa thông điệp về một chính quyền cầu thị, “lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng đồng hành cùng người dân và DN.
Trước mắt, tỉnh tập trung xem xét giảm một số chi phí kinh doanh, giảm lãi suất vay, triển khai các gói hỗ trợ DN; cải tiến hình thức tổ chức đối thoại, giải quyết triệt để vướng mắc, không bao biện “giải thích” mà “không giải quyết”. Các cấp, ngành cần tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo; tiến hành hiệu quả, sáng tạo, đảm bảo công bằng khởi sự DN, hạn chế hoạt động mang tính “phong trào”, tập trung nâng cao năng lực, đạo đức công vụ và xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào KKT Nam Phú Yên Cho đến giữa năm 2022, KKT Phú Yên có 86/117 dự án hoạt động và cũng nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm tìm hiểu, đề xuất đầu tư như: Hòa Phát, N&G, Ecoland, Hưng Thịnh, Kiến Á… Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đang tập trung triển khai việc lập điều chỉnh Quy hoạch chung KKT Phú Yên đến năm 2040; các quy hoạch phân khu xây dựng 1/2.000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu chức năng để làm cơ sở thu hút đầu tư, từng bước định hình phát triển không gian KKT Nam Phú Yên. Tỉnh cũng tăng cường phối hợp với tỉnh Khánh Hòa xây dựng Đề án liên kết vùng Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa. Sau khi Đề án được phê duyệt, Phú Yên và Khánh Hòa sẽ khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh đưa Vùng Nam Phú Yên-Bắc Khánh Hòa trở thành vùng kinh tế tổng hợp, động lực khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, từng bước khẳng định vị trí một trong 8 KKT ven biển trọng điểm quốc gia. |
Ngo Khuyen (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI