GIA LAI

Tỉnh Gia Lai: Tạo động lực mới, không gian mở để thu hút đầu tư

15:59:25 | 14/10/2022

Tại buổi lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932-24/5/2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Gia Lai là tỉnh có truyền thống lịch sử văn hóa và cách mạng; có tiềm năng, lợi thế để phát triển. Không phụ những thành quả thế hệ đi trước đã tạo dựng, thời gian qua, đặc biệt trong 2 năm qua sau khi xảy ra dịch COVID-19, cùng với cả nước, tỉnh Gia Lai đã phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Điều đó tạo điều kiện để khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có việc thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư. 

Đầy nội lực

Gia Lai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở vị trí cửa ngõ phía Bắc Tây Nguyên, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là trung tâm Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, có tiềm năng rất lớn trong các địa phương vùng Tây Nguyên. Nơi có diện tích rộng và dân số đông, có truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất, yêu nước, được thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, có tiềm năng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo - Đây cũng là 3 trụ cột chính, là nguồn lực bên trong để Gia Lai phát triển nhanh và bền vững. Mới đây, sân bay Pleiku đã được phê duyệt đầu tư nâng cấp, mở rộng với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cũng sẽ mang đến cho địa phương những ưu thế lớn để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Không chỉ vậy, so với các địa phương trong vùng, Gia Lai còn sở hữu mạng lưới giao thông khá đồng bộ và thông suốt với 6 tuyến Quốc lộ chạy qua theo cả trục Bắc – Nam và Đông – Tây. Đó là tuyến quốc lộ 19 và đường Hồ Chí Minh chạy xuyên tâm và giao nhau tại Tp. Pleiku; quốc lộ 14 nối Tây Nguyên với vùng Đồng bằng sông Cửu Long; tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku - cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh… Tỉnh Gia Lai có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với hơn 845.000ha, phù hợp phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, tỉnh có nhiều tiềm năng thuận lợi phát triển công nghiệp-thương mại, nhất là công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh Gia Lai quy hoạch 21 cụm công nghiệp; trong đó, có 12 cụm công nghiệp.

Gia Lai còn là miền đất được thiên nhiên ưu đãi khi nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 25 độ tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm, địa hình đa dạng gồm hệ thống đồi núi thấp xen lẫn thung lũng, sông hồ và ghềnh thác. Đặc biệt, tiềm năng cảnh quan của Gia Lai được xem là khá tương đồng với thủ phủ nghỉ dưỡng Đà Lạt (Lâm Đồng). Và là nơi hội tụ nhiều di sản quý giá mà không phải nơi nào cũng có được như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng rộng 413.500 m2, Biển Hồ - một trong những hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Việt Nam… Bên cạnh đó, TP Pleiku còn là trung tâm của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại… Chính vì vậy đây là điều kiện lý tưởng để địa phương phát triển nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, đặc biệt là du lịch sinh thái.

Với những tiềm năng gợi mở đáng kỳ vọng đó, Gia Lai đã từng bước trở thành tâm điểm thu hút đầu tư, mỗi năm luôn có nhiều Tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước tìm đến bằng các dự án đầu tư quy mô lớn. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã thu hút được 515 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 83.000 đồng, tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, có 237 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 65.900 tỷ đồng gồm: 31 dự án nông, lâm nghiệp, 141 dự án công nghiệp chế biến, 24 dự án thương mại dịch vụ, y tế, giáo dục, 17 dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật, 24 dự án kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Riêng năm 2021 có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng, 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng. Đặc biệt vừa qua, tỉnh Gia Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 4 danh mục kêu gọi FDI tại Quyết định số 1831/QĐ-TTG ngày 01/11/2021 Về việc Ban hành Danh mục quốc gia các Dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025 gồm: Đường cao tốc Quốc lộ 19 đoạn từ ngã ba cầu Bà Di (Bình Định) đến TP. Pleiku; Khu Du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ; Khu Du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya; Dự án Khu Nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, tỉnh đã liên hệ với Cục Xúc tiến Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư đến với Gia Lai.


Danh thắng Biển Hồ

Từng bước định hình tương lai

Những thuận lợi về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” trên đang từng bước được tỉnh phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” mới chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nông ghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Song, trong hành trình kiến tạo giá trị, Gia Lai vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thử thách. Do vậy, địa phương cũng mong mỏi các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện, giúp đỡ tỉnh Gia Lai khắc phục khó khăn, hạn chế, khơi thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển, trên tinh thần chân thành, tin tưởng, trách nhiệm; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng “xin-cho,” tiêu cực. Riêng tỉnh sẽ phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; vươn lên mạnh mẽ bằng nội lực, từ truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Tây Nguyên; không trông chờ, ỷ lại, phải biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể; phấn đấu đạt kết quả cao nhất và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra.

Trên tinh thần tiếp tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược để tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phát huy các kết quả đạt được, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả. Quyết liệt thực hiện cải cách, cắt giảm thủ tục để tạo ra môi trường đầu tư thân thiện, hòa đồng, bình đẳng luôn đồng hành với doanh nghiệp. Đặc biệt là có thêm nhiều chính sách cởi mở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác; từng bước đưa nghị quyết số 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVI) về “đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030” vào thực tiễn, góp phần đưa Gia Lai là điểm đến mới của du khách.

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Gia Lai phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Do vậy, tỉnh quyết tâm không đánh đổi sự phát triển bằng mọi giá, nhất là đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế đơn thuần. Cùng với phương châm đặt mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp lên hàng đầu, Gia Lai tin chắc đó sẽ là hướng đi quan trọng mang tính đột phá để định hình tương lai phát triển của một vùng đất đang trên đà đi lên nhanh, bền vững, giàu bản sắc.

Hàn Lương (Vietnam Business Forum)