Những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, tạo thuận lợi để thu hút đầu tư, góp phần hình thành, thúc đẩy và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, tiến tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Từ chỗ không có khu công nghiệp (KCN) khi mới tái lập (năm 1997), đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 19 KCN được quy hoạch, trong đó có 14 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, trở thành “điểm sáng” trong thu hút đầu tư của vùng và cả nước; thu ngân sách Nhà nước luôn đạt, vượt mục tiêu đề ra và luôn nằm trong Top các tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Để tăng cường thu hút đầu tư, tạo đà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ngày 14/12/2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 18/2020 "Quy định một số nội dung và mức chi để thực hiện Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh"; ngày 10/12/2021, UBND tỉnh đã ký kết Chương trình số 10 phối hợp hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025 giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu hình thành và phát triển Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là tiền đề, dấu mốc quan trọng, cơ sở pháp lý và là thực tiễn góp phần hình thành, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, đồng thời kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khác trên cả nước và thế giới trong tương lai.
10 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được 41 dự án mới và 39 lượt dự án tăng vốn, trong đó cấp mới là 16 dự án, điều chỉnh vốn cho 7 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đạt 9.937 tỷ đồng; cấp mới là 25 dự án, điều chỉnh tăng vốn cho 32 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 312,5 triệu USD. Ngoài ra, Vĩnh Phúc có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng, tăng 18,7% về số doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 407 doanh nghiệp, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh 10 tháng năm 2022 tăng 15,42% so với cùng kỳ, đây là mức tăng cao nhất của 10 tháng trong giai đoạn 2019- 2022.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường kết nối với các chuyên gia, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, sàn giao dịch công nghệ tại Vĩnh Phúc; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, là động lực chính để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp doanh nghiệp bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao và hỗ trợ các startup thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, các dịch vụ pháp lý...
Thanh Loan (Vietnam Business Forum)
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI