KON TUM

Các KKT, KCN Trọng điểm thu hút đầu tư

09:28:07 | 7/2/2023

Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19, song với sự chủ động, linh hoạt của Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh Kon Tum, thời gian qua, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào KKT và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Theo ghi nhận của ông Vũ Mạnh Hải - Phó Trưởng Ban Quản lý  KKT, thành công lớn nhất là môi trường đầu tư của tỉnh nói chung và tại KKT, KCN nói riêng đã được cải thiện, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư.

Ông có thể khái quát vài nét về bức tranh thu hút đầu tư vào các KCN, KKT tỉnh Kon Tum tính đến thời điểm hiện nay? Mục tiêu của tỉnh trong phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư đến năm 2025?

Lũy kế đến nay, các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đã có 110 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 4.137.187 tỷ đồng; trong đó có 72 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Hàng năm nộp ngân sách nhà nước khoảng trên 80 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động địa phương.

Năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song với sự cố gắng nỗ lực của Ban Quản lý KKT tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng tại cửa khẩu quốc tế Bờ Y nên tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh vẫn có nhiều khởi sắc. Các chỉ tiêu thu ngân sách; giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu; khoản thu phí, lệ phí, giá dịch vụ; phương tiện, hàng hóa,…. đều có sự tăng trưởng.

Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI xác định nhiệm vụ: "…Tiếp tục huy động vốn đầu tư kết cấu hạ tầng KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y để phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, kinh tế biên mậu. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng KCN Sao Mai, khu sản xuất - chế biến dược liệu tập trung, KCN Đắk Tô và các CCN; khuyến khích các DN đầu tư phát triển các KCN, CCN, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh …".

Trên cơ sở đó, Ban đã tham mưu tỉnh ban hành Đề án "Phát triển KKT, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030" nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa KKT và các KCN, CCN trở thành trọng điểm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - dịch vụ. Từ đó tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo kinh tế - xã hội nông thôn.

Với nỗ lực chuyển từ tư duy "cấp phép" sang "phục vụ", ông có đánh giá gì về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Ban thời gian qua? Việc chuyển đổi số trong điều hành và xúc tiến đầu tư; xúc tiến đầu tư tại chỗ, đầu tư trực tuyến được đơn vị chú trọng ra sao nhằm gia tăng sức hút vào các KKT, KCN?

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/12/2021 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2022, Ban Quản lý KKT tỉnh đã chủ động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút, triển khai các dự án tại KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y, các KCN theo phương châm: "Chuyển từ tinh thần đồng hành cùng nhà đầu tư sang tinh thần chủ động tiếp xúc, kêu gọi, làm việc với nhà đầu tư”. Đến nay, trên cơ sở danh mục TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban đã cung cấp 100% là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, Ban đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam xây dựng ứng dụng, cập nhật dữ liệu dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức bản đồ số địa điểm đầu tư của KKT cửa khẩu quốc tế Bờ Y và các KCN tỉnh Kon Tum năm 2022 lên trang http://vsmartinvest.gov.vn/; http://bandosodautu.gov.vn/. Thông qua đó, tạo thuận tiện cho việc tra cứu thông tin, kêu gọi thu hút đầu tư.

Cùng với cải cách TTHC, việc chuyển đổi số trong điều hành và xúc tiến đầu tư cũng được chú trọng. Đơn vị đã thực hiện tiếp nhận, chuyển văn bản đi, đến qua phần mềm IOffice, chữ ký số; xây dựng phòng họp trực tuyến; kế hoạch chuyển đổi số,... Tiếp tục duy trì, áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo TCVN 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan; triển khai thực hiện Chương trình số 2359/CTr-UBND ngày 22/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 16/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XVI về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tổ chức kiểm tra, rà soát các dự án nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư; đồng thời kiểm tra, đánh giá tình hình chấp hành các quy định của pháp luật nhằm đôn đốc, phát hiện, có biện pháp xử lý hoặc đề nghị xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Ông có nhận định gì về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Kon Tum những năm gần đây? Nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cương vị người đứng đầu Ban Quản lý KKT, ông có thông điệp gì muốn gửi đến các DN, nhà đầu tư?

Ngày 16/5/2022, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao PCI và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Nghị quyết xác định mục tiêu chung là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Nghị quyết cũng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; nâng cao tính năng động, tiên phong, quyết tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành và nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước; đẩy mạnh hỗ trợ và phát triển DN; chú trọng công tác quy hoạch, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư.

Theo kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2021 tỉnh Kon Tum, Ban Quản lý KKT tỉnh có điểm tổng hợp đứng thứ 2/12 đơn vị trong nhóm các sở, ban ngành được khảo sát đánh giá với 68,71 điểm. Các chỉ số thành phần là điểm mạnh có thể kể đến như: Chi phí không chính thức; vai trò người đứng đầu; thiết chế pháp lý,…

Với tinh thần đồng hành cùng DN, nhà đầu tư, thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần cải thiện PCI; nêu cao tinh thần phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN, nhà đầu tư. Ban sẽ tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, tạo quỹ đất sạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; phối hợp liên thông để rút ngắn tối đa thời gian cho nhà đầu tư. Tiếp nhận và giải quyết kịp thời mọi phản ánh kiến nghị, yêu cầu của DN; đồng thời quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Công Luận (Vietnam Business Forum)