FrieslandCampina và chiến lược phát triển bền vững (PTBV) “Chung tay nuôi dưỡng hành tinh của chúng ta” đang tạo ra những cột mốc mới trong thành công của Tập đoàn trên thế giới và tại Việt Nam. Ông Richard Kiger, Tổng Giám đốc FrieslandCampina Việt Nam (FCV) đã có những chia sẻ về chiến lược này.
![]() |
Ông có thể chia sẻ thêm về ý nghĩa của chiến lược PTBV của FCV trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo nên những tác động tích cực cho người tiêu dùng, xã hội và hành tinh?
Như đã biết, FCV vừa ra mắt chiến lược PTBV trong thời gian gần đây. Chiến lược mới này được dẫn dắt bởi sứ mệnh Nuôi Dưỡng (Nourishing by Nature) của Tập đoàn Royal FrieslandCampina, cam kết: Cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cao cho người tiêu dùng, đồng thời giảm thiểu tác động tới hành tinh của chúng ta.
Royal FrieslandCampina là 01 trong 05 tập đoàn sữa và dinh dưỡng trên toàn cầu với hơn 150 năm di sản. Chúng tôi có nhà máy tại 32 quốc gia và xuất khẩu sản phẩm tới trên 100 thị trường. Mỗi ngày chúng tôi phục vụ hàng triệu người tiêu dùng trên toàn cầu, từ các quốc gia phát triển cao tại EU cho tới các quốc gia đang phát triển. Chính sự có mặt sâu rộng này đã khiến FCV rất quan tâm tới các tác động mà mình có thể tạo ra. Chính vì vậy, Tập đoàn đã rất sớm quan tâm tới vấn đề PTBV, rất lâu trước khi PTBV trở thành xu hướng kinh doanh mới như hiện nay.
Chúng tôi là tập đoàn đầu tiên trong ngành sữa thế giới phát triển hệ thống giám kiểm khí thải CO2 (carbon footprint monitor) áp dụng cho mọi trang trại nuôi bò sữa của Tập đoàn. Cùng với Rabobank và Quỹ Động vật Hoang dã (WWF), chúng tôi xây dựng hệ thống giám định đa dạng sinh học giúp các trang trại giám sát và kiểm tra sức khỏe và an sinh của bò sữa, cũng như các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm. Chúng tôi cũng là tập đoàn đầu tiên trên thế giới giới thiệu hệ thống giúp nông dân dự đoán và cải thiện tác động môi trường của trang trại mình trên cơ sở đo lường và thực hiện các biện pháp giảm khí thải CO2 hoặc cải thiện đa dạng sinh học. Chúng tôi không ngừng sáng tạo cho đến hôm nay và cả trong tương lai.
Chúng tôi xem việc sản xuất, kinh doanh theo định hướng PTBV là một lợi thế cạnh tranh và là yếu tố tạo nên sự khác biệt của Công ty.
Với hai nhà máy chế biến và sản xuất tại tỉnh Bình Dương và Hà Nam, ông có thể chia sẻ thêm về hoạt động của hai nhà máy, những định hướng phát triển trong thời gian tới?
Tôi rất tự hào chia sẻ rằng hai nhà máy tại Bình Dương và Hà Nam là hai nhà máy hiện đại với các trang thiết bị tiên tiến nhất. Những năm qua, hai nhà máy tại Việt Nam cũng nằm trong số các nhà máy của Tập đoàn được đánh giá tốt nhất về hoạt động và chất lượng sản xuất. Chúng tôi luôn chú trọng về môi trường làm việc, sản xuất và các điều kiện khác cho các nhân viên. Những nỗ lực này được thể hiện bằng những thành tích cụ thể, đó là kỷ lục 3000 ngày không có nhân viên mất ngày công, liên tục có mặt trong 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam. FCV cũng được UBND tỉnh Hà Nam trao tặng giải thưởng chất lượng và các thành tích khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng hơn nữa, để có thể đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của nền kinh tế tỉnh Hà Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Những năm qua, để thu hút các nhà đầu tư, tỉnh Hà Nam đã chú trọng đẩy mạnh quảng bá lợi thế, đồng hành cùng doanh nghiệp. Ông đánh giá thế nào về sự đồng hành của chính quyền địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn?
Chúng tôi rất cảm kích về những hỗ trợ nhiệt tình của các cơ quan, ban ngành cũng như những chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Nam. Có thể nói, trong suốt những năm qua, nếu không có sự hợp tác chặt chẽ này, FCV đã không thể có được những thành công hôm nay.
Ngoài việc vận hành nhà máy trên địa bàn, chúng tôi cũng hợp tác với tỉnh trong các dự án Phát triển ngành sữa (DDP) và là một đơn vị tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Thông qua những hoạt động đó đã gắn kết chính quyền địa phương và các đơn vị doanh nghiệp. Cá nhân tôi rất cảm kích vì sự đồng hành đó.
Ông có thể chia sẻ thêm về chương trình phát triển ngành sữa, một chương trình mang đậm dấu ấn của FCV tại Việt Nam nói chung và tại tỉnh Hà Nam nói riêng?
Chúng tôi thực hiện chương trình này ngay từ khi mới đặt chân đến thị trường Việt Nam. Và đến nay, với nỗ lực của FrieslandCampina đã có gần 2.500 hộ nông dân nuôi bò sữa tham gia chương trình phát triển ngành sữa của chúng tôi. Mỗi năm, chúng tôi thực hiện khoảng 12.000 lượt đào tạo cho các nông hộ thành viên, các hoạt động chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sữa cũng như chăn nuôi thân thiện với môi trường,... cho các nông hộ đối tác.
Dự kiến đến năm 2025, FrieslandCampina sẽ đào tạo kỹ thuật cho tổng cộng 300.000 lượt nông dân. Từ những chuyển giao kiến thức đó, tôi tin rằng chính các hộ nông dân sẽ tạo nên những thay đổi lớn cho ngành sữa nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.
Theo ông, để thu hút có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng, chính quyền tỉnh Hà Nam cần tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào?
Tôi đã được nghe chia sẻ kỳ vọng của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam về một môi trường đầu tư tập trung vào PTBV, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực thân thiện với môi trường, tôi rất tâm huyết với định hướng đó. Tôi nghĩ rằng hơn ai hết, các bạn chính là những người hiểu về tỉnh cũng như môi trường kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
Vì vậy, với định hướng tốt, sự cởi mở và một ban lãnh đạo tâm huyết như hiện tại thì những kỳ vọng và kế hoạch thu hút đầu tư của tỉnh Hà Nam chắc chắn sẽ thành công.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)
4/10/2023
Khách sạn Novotel, Số 02 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội