HÀ NAM

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững

14:54:24 | 9/3/2023

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về hiệu quả giáo dục nghề nghiệp (GDNN); coi trọng đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đào tạo trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, có kỹ năng nghề,... Thông qua đó, không chỉ góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh mà còn đảm bảo an sinh xã hội địa phương.


Sinh viên thực hành lĩnh vực điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Hà Nam

Hà Nam hiện có 19 cơ sở GDNN, gồm: 05 trường cao đẳng, 05 trường trung cấp, 05 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, 04 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN tuyển sinh, đào tạo 101 nghề, chủ yếu thuộc các nhóm ngành: Kỹ thuật cơ khí; kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; máy tính và công nghệ thông tin; xây dựng; nông nghiệp và thủy sản, y học, điều dưỡng, du lịch, khách sạn,… Toàn tỉnh có 07 trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) phê duyệt, lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, gồm 05 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp.

Những năm qua, chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm của Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều mô hình gắn kết hiệu quả, bền vững. Các hình thức hợp tác chủ yếu là: Xây dựng chương trình đào tạo; nơi thực tập sản xuất cho học sinh, sinh viên, nhà giáo; tham gia vào quá trình giảng dạy; cấp học bổng cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoặc các thỏa thuận hợp tác khác,...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 156 doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở GDNN, trên 95% người học sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay vào làm các công việc phù hợp với ngành, nghề đào tạo với mức thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng.

Tỉnh cũng đã xây dựng và cập nhật dữ liệu mở về lao động có kỹ năng nghề theo từng lĩnh vực, ngành nghề, trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nhất là những ngành nghề, kỹ năng mới như: Điện, điện tử, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao,... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.

Ông Nguyễn Văn Hảo - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Nam cho biết: Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả GDNN. Tăng cường đào tạo theo hướng ứng dụng thực hành, đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia và đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của các cấp, ngành và người dân về phát triển GDNN và giải quyết việc làm, nhất là sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên, bảo đảm thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, gắn kết chặt chẽ 3 “Nhà”: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động GDNN.

Tăng cường hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm; thu thập và cung cấp kịp thời thông tin thị trường lao động trong và ngoài nước thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Đặc biệt, tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN; thúc đẩy phát triển cơ sở có năng lực tự chủ và hoạt động hiệu quả.

“Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 60%. Quy mô tuyển sinh của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt trên 25.000 người; có 03 trường được kiểm định, đánh giá, công nhận đạt tiêu chí của trường chất lượng cao; tối thiểu 30% cơ sở GDNN công lập tự chủ về tài chính,… Qua đó, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa phương mà còn hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nam trở thành tỉnh khá của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ”, ông Nguyễn Văn Hảo khẳng định.

Hoài Nam (Vietnam Business Forum)