HÀ NAM

Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Nam: Cải cách hành chính vì sự hài lòng của khách hàng

15:25:28 | 9/3/2023

Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) theo hướng công khai, minh bạch,…nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với hiện đại hoá kho bạc, tổ chức hội nghị với khách hàng nhằm đem lại sự hài lòng cho đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân.


Ông Nguyễn Đức Vượng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Hội nghị các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước trên địa bàn

Bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, KBNN, của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, KBNN tỉnh Hà Nam đã tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới nhằm phát triển kho bạc số, sớm hình thành kho bạc 3 không “không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng đến giao dịch và không chứng từ giấy" với mục tiêu “lấy khách hàng là trung tâm phục vụ”; từng bước hiện thực hóa nhiệm vụ CCHC và góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn.

Triển khai Đề án Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) và Cảnh báo rủi ro, KBNN tỉnh Hà Nam đã sát sao vào cuộc và đến nay đạt được kết quả khả quan. 100% TTHC mức độ 4 được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 99.5% hồ sơ kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua hệ thống DVCTT. KBNN tỉnh cũng triển khai chương trình cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động đến 100% đơn vị, đã thông báo cho chủ tài khoản, kế toán trưởng các đơn vị về biến động số dư tài khoản, tình trạng xử lý hồ sơ qua DVC và giao dịch thời gian 24/7. Nhờ vậy, các TTHC được giải quyết công khai, minh bạch, giảm thời gian đi lại và chi phí của khách hàng, hạn chế tình trạng phiền hà khi giao dịch trực tiếp.

Thực hiện công văn số 1853/KBNN-CNTT ngày 22/4/2022 của KBNN về triển khai thí điểm Thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung, KBNN tỉnh Hà Nam áp dụng tại KBNN tỉnh và KBNN huyện Lý Nhân. Đến nay, quy trình liên thông thanh toán liên ngân hàng đã giảm được nhiều lao động thủ công, thời gian xử lý của chuyên viên và lãnh đạo, đặc biệt tại KBNN tỉnh với lượng chứng từ lớn và hầu hết lại đi kênh thanh toán liên ngân hàng. Việc thêm kênh thanh toán mới đã giúp KBNN huyện có nhiều lựa chọn thuận tiện hơn trong việc thanh toán với ngân hàng và tập trung các khoản thu NSNN.

Ngoài ra, KBNN tỉnh còn triển khai kết nối với Trung tâm điều hành thông minh tỉnh (IOC) để tiếp nhận các văn bản chỉ đạo điều hành; đồng thời định kỳ cung cấp số liệu, báo cáo về tiến độ thu, chi NSNN và tình hình giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn giúp lãnh đạo tỉnh nắm bắt đầy đủ thông tin để có các chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

Điểm nhấn trong năm 2022, KBNN tỉnh đã tổ chức 05 hội nghị với các đơn vị sử dụng NSNN nhằm trao đổi, phổ biến các quy định liên quan đến trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị trong quản lý tài chính ngân sách; về giải quyết TTHC trong lĩnh vực KBNN; về kiểm soát chi thường xuyên đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý, kiểm soát chi vốn đầu tư công và hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực KBNN. Việc tổ chức các hội nghị được chính quyền địa phương và các đơn vị đánh giá cao, là cách làm sáng tạo góp phần cải cách TTHC, mang lại sự hài lòng hơn cho khách hàng.

Ngoài ra, việc thực hiện tự động thu phí chuyển tiền hàng tháng được triển khai và đem lại hiệu quả thiết thực. Căn cứ vào Thỏa thuận ủy quyền thanh toán khoản phí chuyển tiền qua KBNN với các đơn vị, hàng tháng KBNN trích nợ khoản phí chuyển tiền và thực hiện lập chứng từ Báo Nợ cho đơn vị. Tất cả quy trình hạch toán đều được thực hiện tự động làm giảm nhiều thời gian, công sức so với phương thức trước đây. 

Đặc biệt, KBNN tỉnh luôn tăng cường kiểm soát TTHC, giám sát chặt chẽ chất lượng phục vụ của công chức qua DVCTT. Định kỳ hàng tháng, KBNN tổ chức họp rà soát, đánh giá và yêu cầu giải trình đối với hồ sơ trả lại đơn vị giao dịch; xếp loại lao động đúng mức đối với công chức có sai sót nghiệp vụ liên quan hoặc có hồ sơ chậm xử lý, giải quyết trả lại nhiều lần,...

Bên cạnh đó, KBNN tỉnh cũng đã công khai số điện thoại của Ban lãnh đạo, trưởng phòng nghiệp vụ, KBNN tỉnh, Giám đốc KBNN trực thuộc, hộp thư góp ý,... để tiếp nhận ý kiến, phản ánh của khách hàng giao dịch và đơn vị, tổ chức, cá nhân. Qua đó, tăng cường môi trường làm việc kỷ cương, kỷ luật công vụ của nền hành chính, công vụ.

Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)