20 năm biến thung lũng Thung Nham từ một nơi rậm rạp hoang vu, sình lầy thành điểm du lịch sinh thái và tâm linh lý tưởng, doanh nhân Phạm Công Chất, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Du lịch Doanh Sinh đã mang lại sản phẩm du lịch sinh thái bền vững gắn với phát triển nông nghiệp điển hình của Ninh Bình. Qua đó, không chỉ góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa, phát triển bền vững mà còn đóng góp vào sự phát triển của ngành Du lịch địa phương.
Khu du lịch sinh thái Thung Nham là hình mẫu phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ thiên nhiên và môi trường bền vững
20 năm ghi dấu một hành trình
Cách TP.Ninh Bình khoảng 12km về phía Tây, Khu du lịch sinh thái Thung Nham (làng Hải Nham, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) nằm trọn trong vùng lõi của danh thắng Tràng An, kế bên Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động. Với diện tích lên tới hơn 300ha, kết hợp hài hòa giữa vẻ hùng vĩ và cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, Thung Nham được ví như một thiên đường du lịch sinh thái, điểm dừng chân yêu thích của những người yêu thiên nhiên đã chọn lựa Ninh Bình làm đích đến.
Ngắm nhìn "viên ngọc xanh" giữa vùng non nước hữu tình, ít ai biết rằng xưa kia, Thung Nham là vùng đất sình lầy, đường vào không có, lau sậy và cỏ dại mọc um tùm, hoang vu đến rợn người. Khi đó, doanh nhân Phạm Công Chất mới ngoài 20 tuổi, vừa rời quân ngũ trở về. Tài sản duy nhất là nghị lực của người lính và ý chí không cam chịu đói nghèo của một thanh niên giàu khát vọng.
Ông cho biết: Thung Nham đến như một “duyên kỳ ngộ”. Sau một lần tình cờ đến đây, ông quyết định gắn bó và xây dựng "Trang trại kinh tế tổng hợp sinh thái" với mong muốn “làm giàu trên mảnh đất quê hương". Tuy nhiên, ngay từ công việc đầu tiên phát quang bụi rậm, đắp đập, be bờ, làm đường, tạo hồ nước đã là một thử thách khắc nghiệt.
Năm 2003, Khu du lịch sinh thái Thung Nham ra đời. Đến nay, sau 20 năm "khai sơn phá thạch", thung lũng hoang sơ ngày nào đã trở thành một "địa chỉ đỏ" trên bản đồ du lịch Ninh Bình, chào đón du khách bằng đủ loại hình sản phẩm du lịch sinh thái hấp dẫn. Năm 2022, Thung Nham đón khoảng 300.000 lượt khách thăm quan trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách thăm quan đến Thung Nham chiếm khoảng 65% so với tổng lượt khách của cả năm 2022. Từ chỗ chỉ có chưa đầy 20 người lao động, đến nay Khu du lịch đang giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức lương trung bình từ 8 - 15 triệu đồng/người/tháng, quản lý cấp cao từ 20 - 25 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, cải thiện chất lượng cuộc sống và là "cánh tay đắc lực" góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của Quần thể danh thắng Tràng An.
Hướng đến phát triển du lịch bền vững, gắn với bảo vệ môi trường
Ở tuổi 20 tràn trề sức sống và đam mê, Khu du lịch sinh thái Thung Nham là hình mẫu phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ thiên nhiên và môi trường bền vững.
Từ những ngày sơ khai, chỉ có lác đác vài cánh chim trời, đến nay, số lượng chim bay về ngày càng nhiều. Nơi đây là môi trường lý tưởng và an toàn của hơn 40 loài chim về trú ngụ. Trong đó có cả những loài được ghi tên trong sách đỏ Việt Nam như: Hằng Hạc, Phượng Hoàng,…
Ngoài ra, 12 điểm thăm quan với nhiều loại hình du lịch và là tổ hợp đa dạng các dịch vụ cho du khách như: Nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực, du lịch sinh thái,… Nhờ đó, góp phần tô điểm vào bức tranh kinh tế du lịch địa phương và là khu du lịch điển hình trong phát triển loại hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
Đặc biệt, Khu du lịch đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường như: Bố trí hệ thống thùng rác dọc các trục, tuyến đường và các vị trí công cộng, có biển cảnh báo cấm xả rác ra môi trường, tuyên truyền, vận động và gắn trách nhiệm bảo vệ môi trường của người lao động và khách du lịch,… Doanh nghiệp cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý rác thải riêng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong chính khu du lịch.
Bên cạnh đó, với mô hình tự cung, tự cấp các sản phẩm sạch, Thung Nham đã duy trì tốt mô hình kinh tế nông trang, hướng đến những sản phẩm “sạch và an toàn, bảo vệ sức khoẻ khách hàng, những người tiêu dùng”. Đây cũng là một trong những tiêu chí phát triển du lịch bền vững, gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường của khu du lịch.
Công ty cũng thường xuyên phát động các hoạt động “Trồng cây gây rừng”, “Thung Nham xanh” trong các tổ chức Đảng, Đoàn của doanh nghiệp, thu hút đông đảo cán bộ, nhân viên và người lao động tham gia.
Doanh nhân Phạm Công Chất cho biết: Ngay từ khi đi vào khai thác du lịch ở Thung Nham, Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại du lịch Doanh Sinh đã xác định phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững. Điều này có nghĩa là làm du lịch có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực và có tác động tích cực nhằm bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích về sản phẩm du lịch sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người.
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng cho khu du lịch; thường xuyên theo dõi, đánh giá tác động môi trường của dự án. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực để có đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp, thu hút cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch. Tăng cường quảng bá, tiếp thị để đưa hình ảnh Thung Nham đến với đông đảo du khách.
“Qua đó, không chỉ góp phần tạo nên thương hiệu du lịch của Ninh Bình mà còn từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững địa phương”, doanh nhân Phạm Công Chất khẳng định.
Ngô San (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI
13 - 14/09/2024
Khách sạn InterContinental Westlake, Hà Nội.