Hơn 22 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bắc Giang đã và đang góp phần nâng cao chất lượng lao động của tỉnh nhà và lân cận. Đặc biệt, những năm gần đây, Trung tâm luôn nỗ lực đổi mới, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động thông qua việc chú trọng áp dụng công nghệ, số hóa trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động bằng nhiều hoạt động, qua đó tạo việc làm bền vững cho người lao động.
Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang khai mạc phiên giao dịch việc làm đầu năm 2023
Những năm gần đây, Trung tâm DVVL tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuyển đổi số trong nhiều hoạt động, quy trình như: Tổ chức các sàn giao dịch việc làm, phỏng vấn lao động xuất khẩu trực tuyến; bước đầu số hóa hồ sơ lưu trữ; nâng cấp website chạy trên nền tảng IOS, Android để dễ dàng xem, sử dụng trên điện thoại di động; đưa vào hoạt động tổng đài Zalo OA với bot chat trả lời, gửi tin nhắn tự động tới người lao động, doanh nghiệp; khai thác tối đa tiện ích các mạng xã hội trong việc tư vấn, giới thiệu việc làm.
Ông Nguyễn Văn Huế - Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh cho biết: Chuyển đổi số đang góp phần thay đổi mạnh mẽ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cách thức tìm việc của người lao động theo hướng tích cực. Trung tâm đã và đang nỗ lực đổi mới, nắm bắt xu thế cuộc cách mạng công nghệ để từng bước nâng cao hiệu quả kết nối cung – cầu thị trường lao động.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, những tháng cuối năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu tuyển mới khoảng 70.000 lao động. Theo đó, Trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp và Trung tâm DVVL các tỉnh, thành phố tăng cường tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến nhằm mở rộng kết nối cung - cầu lao động. Đặc biệt, trong tháng 8/2023, ngoài các phiên giao dịch việc làm cố định, Trung tâm tổ chức thêm 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến và và lưu động. Qua hình thức phỏng vấn online, doanh nghiệp trực tiếp tuyển chọn lao động của địa phương, đẩy mạnh việc thông báo, tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp đến tận huyện, xã, vùng sâu, vùng xa.
Để người lao động và doanh nghiệp tiếp cận được với thông tin tìm kiếm nhanh chóng, dễ dàng hơn, Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền, đưa các thông tin về việc làm, lao động lên các nền tảng số như website: vieclambacgiang.vn, đồng thời cùng ngành lao động xây dựng cơ sở dữ liệu số về lao động, việc làm để sớm hình thành nguồn dữ liệu số phục vụ chuyển đổi số hiệu quả.
Bằng các chương trình tuyển dụng cụ thể, đến nay, cả người lao động và doanh nghiệp đều đã thích ứng với việc kết nối cung - cầu lao động trên nền tảng số, mang lại hiệu quả tích cực cho thị trường lao động trong tỉnh. Với hình thức tổ chức trực tuyến, quy mô các sàn giao dịch, thị trường lao động được mở rộng hơn so với hình thức trực tiếp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người lao động và doanh nghiệp.
Giám đốc Nguyễn Văn Huế cho biết thêm: Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nắm bắt và kết nối thông tin thị trường lao động của các tỉnh để cung ứng lao động cho các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các đoàn học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài nước để nghiên cứu triển khai các nền tảng công nghệ số mới nhất áp dụng vào thực tế công việc tại Trung tâm nhằm mang đến nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.
Trần Trang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI