HÀ GIANG

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân

09:51:05 | 19/9/2023

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh Hà Giang không chỉ là cách làm hay, đổi mới giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với nhu cầu và năng lực thực tế mà còn giúp họ có cuộc sống ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xung quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Sùng Đại Hùng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.


Hội nghị tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Giang)

Ông có thể cho biết những chuyển biến trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Hà Giang thời gian qua?

Công tác tuyên truyền, truyền thông về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được triển khai có hiệu quả thông qua nhiều hình thức. Thông qua đó, thông tin với các bậc phụ huynh, học sinh về xu hướng ưu tiên tuyển dụng lao động, thu hút sự quan tâm, tham gia học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trình độ cao đẳng, trung cấp.

Tiếp tục đổi mới phương thức tuyển sinh, nâng cao hiệu quả đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; duy trì và phát triển các hình thức hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở GDNN; năng lực đào tạo tại các cơ sở GDNN được tập trung đầu tư theo nghề trọng điểm. Kết quả: 06 tháng đầu năm 2023, tổ chức tuyển sinh các cấp 8.580 người, đạt 81,7% kế hoạch (tăng 245% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó: Hệ cao đẳng 52 người, trung cấp 477 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 8.051 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh từ 54% năm 2020 tăng lên 56,6% năm 2022. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và đóng vai trò quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững.

Đa số học sinh sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống; có 03 em sinh viên ngành Công nghệ ô tô sang làm việc tại Nhật Bản theo diện kỹ sư. Một số ngành nghề có số lượng học sinh sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm trên 90%.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hoạt động trong lĩnh vực GDNN và đạt thành tích cao. Năm 2022, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang lần đầu tiên tham dự Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc và đã đạt 01 giải nhì, 01 giải khuyến khích.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động hiện nay, mạng lưới cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được đầu tư, phát triển ra sao?

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở GDNN, trong đó có 12 cơ sở công lập và 01 cơ sở tư thục. Bao gồm: 01 trường cao đẳng do UBND tỉnh quản lý; 02 trường trung cấp (01 trường thuộc Sở Lao động – Thương bình và Xã hội quản lý, 01 trường trực thuộc Sở Y tế quản lý); 09 trung tâm GDNN – giáo dục thường xuyên và 01 trung tâm GDNN tư thục.

Trên địa bàn tỉnh có 02 trường được lựa chọn đầu tư nghề trọng điểm cấp độ quốc gia với 9 ngành, nghề. Bằng nguồn kinh phí của Trung ương, tỉnh Hà Giang đã thực hiện đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho 02 trường; nội dung đầu tư đúng mục đích, trang thiết bị được đầu tư đã phát huy hiệu quả tốt. Đây là thuận lợi trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đồng thời cũng là cơ hội để các trường củng cố, phát triển mở rộng các ngành nghề đào tạo, thu hút được ngày càng nhiều người lao động tham gia đào tạo nghề tại địa phương.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, Hà Giang cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm nào trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực? Cam kết của ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh?

Một số giải pháp trọng tâm trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực:

Tăng cường các biện pháp nhằm tuyên truyền sâu rộng các quan điểm, đường lối về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN. Từ đó khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người học, gia đình và xã hội.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề; chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động để tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối cung - cầu để nâng cao hiệu quả đào tạo và sử dụng lao động.

Đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả GDNN, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Kịp thời triển khai đầy đủ, đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng GDNN, đào tạo nghề cho người lao động từ các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của tỉnh.  

Thường xuyên kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách pháp luật về GDNN; rà soát, kiểm tra, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo để đề xuất các giải pháp nhằm ổn định, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN.

Cam kết của ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh:

Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính lĩnh vực GDNN, lao động việc làm; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức đào tạo lao động tại chỗ (đặc biệt là lao động kỹ thuật cao).

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện nhanh gọn các thủ tục liên quan đến công tác tuyển dụng, sử dụng lao động, nhất là cấp phép cho lao động là người nước ngoài vào địa bàn làm việc, cấp giấy phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ việc làm; tạo điều kiện thuận lợi, giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp trong việc đăng ký thang bảng lương, nội quy lao động, thỏa ước lao động,…

Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch, chính sách, quy định về phát triển lao động, việc làm, GDNN trên địa bàn tỉnh theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận thông tin, chính sách đầu tư thuộc lĩnh vực của từng ngành và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum