Để hoàn thành mục tiêu cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025, và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp, Hải Dương xác định phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là một trong những giải pháp trọng tâm, một trong ba khâu đột phá chiến lược. Tỉnh phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đến năm 2025 đạt 33%, ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Gắn giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Ngày 07/6/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1584/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” và Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 02/02/2023 thực hiện Đề án đến năm 2030; Kế hoạch số 1305/KH-UBND ngày 12/5/2022 về thực hiện chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030,...
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở GDNN đang hoạt động, gồm 08 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp và 10 trung tâm GDNN với quy mô tuyển sinh, đào tạo bình quân khoảng 38.000 học sinh, sinh viên/năm. Hàng năm, các cơ sở GDNN gắn kết với khoảng 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, với các hình thức chủ yếu là: Tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập tại cơ sở GDNN, ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng nguồn nhân lực của nhà trường với doanh nghiệp, đưa sinh viên đi thực tập, trải nghiệm, tổ chức giảng dạy một số học phần chuyên ngành tại doanh nghiệp.
Ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án về công tác GDNN, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ đạt 33%; quy mô tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đạt 192.100 người; ít nhất 85% người học có việc làm hoặc có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Phấn đấu Trường Cao đẳng nghề Hải Dương đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN.
Ông Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại buổi làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Với lợi thế là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, những năm gần đây, Hải Dương liên tục gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội, vươn lên trở thành điểm sáng của Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Bám sát định hướng này, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho một số ngành kinh tế mũi nhọn, các nhóm ngành nghề đang phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn, phục vụ cho sự phát triển công nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề gắn với giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức kỷ luật, kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng số cho người học. Thường xuyên cập nhật, đào tạo lại cho lực lượng lao động nhằm nâng cao khả năng thích ứng với yêu cầu đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… Đổi mới việc đánh giá kiến thức, kỹ năng của người học, người lao động; phát triển hệ thống đánh giá, kiểm định chất lượng GDNN.
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác về GDNN giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN từ khâu tuyển sinh, đào tạo đến sử dụng, thành lập các cơ sở thực hành tại các cơ sở GDNN. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, gắn kết cung - cầu lao động với GDNN.
Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm, hợp tác đào tạo, chuyên gia, nhà giáo, người học với các nước; tiếp thu kinh nghiệm quốc tế về GDNN; cập nhật kịp thời các tiêu chuẩn, công nghệ mới trong GDNN. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề trong nước và quốc tế.
“Để thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, với quan điểm xuyên suốt bao trùm “Tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo để phát triển bứt phá, bền vững, nâng tầm vị thế Hải Dương” thì việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là hết sức quan trọng.
Điều này đòi hỏi các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của GDNN trong phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, khẩn trương quy hoạch mạng lưới GDNN trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại hệ thống các cơ sở giáo dục, đào tạo; đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN; tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động,...”, ông Bùi Quốc Trình nhấn mạnh.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI