Cùng với tháo gỡ “điểm nghẽn” về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giải phóng mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn,… tỉnh Phú Thọ cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp (DN). Bà Trần Thị Nhung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ cho biết: Nâng cao năng lực pháp luật cho người dân và DN là quá trình lâu dài, liên tục, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả cơ quan, ban ngành, địa phương, nhất là sự chủ động của các DN.
Thời gian qua, Sở Tư pháp đã quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC), nhất là cải cách TTHC ra sao?
Công tác CCHC đã được Sở triển khai kịp thời, đồng bộ, toàn diện trên nhiều nội dung. Cụ thể như công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành về CCHC được thực hiện thường xuyên và thống nhất; tham mưu thực hiện tốt hoạt động kiểm soát chất lượng dự thảo quyết định công bố TTHC. Kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế “một cửa” được nâng lên; khai thác, sử dụng hiệu quả việc tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính; việc tuyên truyền về CCHC được triển khai toàn diện kết hợp với nhiều hình thức linh hoạt,... Nhờ vậy, nhận thức của công chức, viên chức về thực hiện CCHC có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt chấp hành nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương, không gây phiền hà trong thực thi công vụ với người dân và DN.
Bà có thể cho biết một số kết quả thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho DN của tỉnh trong thời gian gần đây?
Công tác hỗ trợ pháp lý cho DN luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo triển khai tới tất cả các cấp, ngành và địa phương nhằm giúp DN sớm tiếp cận với các văn bản pháp luật, TTHC, chính sách, chương trình hỗ trợ của Nhà nước và các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD).
Hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho DN, trong đó có chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Từ đó, các sở, ngành, địa phương đã xem xét, ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai có hiệu quả các nội dung hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ để thực hiện hỗ trợ pháp lý, giải đáp pháp luật cho DN, trọng tâm liên quan đến các lĩnh vực: Khoáng sản, xây dựng, đất đai, thuế, lao động, bảo hiểm, y tế, môi trường, đầu tư kinh doanh,...
Tỉnh còn xây dựng, khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của DN, cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của Trung ương, địa phương liên quan đến hoạt động của DN. Trên cổng, trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ngành, địa phương đều xây dựng các chuyên mục hỗ trợ dành cho DN. Đặc biệt, từ năm 2021, Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho DN tỉnh; công bố số điện thoại, email để tiếp nhận, hỗ trợ cung cấp thông tin pháp lý, giải đáp pháp luật cho DN.
Việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cũng luôn được quan tâm thực hiện. Nhiều hội nghị đối thoại về các vấn đề pháp lý liên quan hoạt động SXKD đã thu hút đông đảo DN tham gia. Các lớp bồi dưỡng tăng cường năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý DN, người quản lý DN, cán bộ pháp chế DN được tổ chức bài bản, mang lại hiệu quả cao.
Ngành Tư pháp đang tham mưu, thực hiện giải pháp nào nhằm triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh, thưa bà?
Tỉnh Phú Thọ đang, sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hoạt động, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp, gồm:
Thứ nhất, hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho DN, trong đó chú trọng rà soát các văn bản QPPL liên quan đến SXKD; khảo sát, đối thoại với DN nhằm xác định đúng, trúng những khó khăn, vướng mắc pháp lý để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản QPPL, đồng thời nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến DN.
Thứ hai, nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, hỗ trợ pháp lý cho DN và đội ngũ tư vấn viên, tuyên truyền viên pháp luật.
Ba là, triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho DN, trong đó đẩy mạnh tư vấn pháp lý cho DN thông qua các tổ chức đại diện DN; tổ chức đối thoại giữa cơ quan có thẩm quyền với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật liên quan; nhân rộng một số mô hình hỗ trợ pháp lý DN hiệu quả.
Tập huấn nâng cao kiến thức về hội nhập quốc tế và các biện pháp phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Chỉ số Thiết chế pháp lý của tỉnh năm 2022 đạt 7,51 điểm, tăng 0,49 điểm so năm 2021 và những năm gần đây tuy có cải thiện nhưng còn thiếu tính ổn định. Vậy ngành đang nỗ lực ra sao để nâng cao điểm số, cải thiện thứ hạng những năm tới?
Trong thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh Phú Thọ đang thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể:
Một là, bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo để tăng cường quản lý về xây dựng, kiểm tra, rà soát và theo dõi thi hành văn bản QPPL; đồng thời nâng cao chất lượng, tính khả thi, hiệu quả và khuyến khích những điểm mới, tích cực mang tính đột phá của các văn bản QPPL, nhất là trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, thu hút đầu tư. Ngành cũng chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định, bảo đảm tiến độ xây dựng văn bản QPPL; tăng cường kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, xử lý triệt để những văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp. Từ đó, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, TTHC, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhằm hoàn thiện hệ thống thể chế làm cơ sở cho việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác hòa giải cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, DN và các tầng lớp nhân dân.
Ba là, tích cực tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật, nhằm giúp DN hiểu, biết và chú trọng thực hiện tốt pháp luật trong quá trình hoạt động SXKD; bảo đảm DN hoạt động, cạnh tranh lành mạnh trong khuôn khổ pháp luật; đồng thời giúp cho các cơ quan nhà nước nhận thấy được và dự báo vướng mắc trong hệ thống thể chế, TTHC để tháo gỡ.
Để thực hiện tốt ba nhóm công việc trên, điều quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện và thường xuyên củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của các đơn vị, sở, ngành bởi đây lực lượng kết nối, trực tiếp tham mưu giúp lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành trong việc xây dựng các dự thảo văn bản QPPL. Bên cạnh đó, chủ động rà soát hệ thống thể chế và trực tiếp tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp trong từng ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt ba nhóm nhiệm vụ trên, trực tiếp góp phần nâng cao Chỉ số Thiết chế và Chỉ số PCI của tỉnh.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI