Cùng với việc tháo gỡ các điểm nghẽn về giải phóng mặt bằng, hạ tầng kết nối, cải cách hành chính (CCHC),… tỉnh Phú Thọ cũng đẩy mạnh xúc tiến, thu hút những dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại theo hướng "xanh và bền vững”. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Phú Thọ.
Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ do ông Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu cùng với đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý các KCN Phú Thọ, một số đơn vị, doanh nghiệp thăm và làm việc tại Trung Quốc
Ông có thể cho biết một vài nét khái quát về tình hình phát triển của các KCN tỉnh Phú Thọ hiện nay? Đâu là điểm sáng và hạn chế cần khắc phục?
Phú Thọ hiện có 04 KCN Thụy Vân, Trung Hà, Phú Hà và Cẩm Khê đã đi vào hoạt động, thu hút 187 doanh nghiệp, thực hiện 202 dự án với tổng vốn đăng ký 25.579 tỷ đồng và 2.302 triệu USD, trong đó có 98 dự án 100% vốn FDI. Các dự án đầu tư thuộc ngành sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản thực phẩm, đồ uống, thức ăn chăn nuôi và dệt, may, bao bì,…
Điểm sáng tại các KCN là thời gian gần đây đã thu hút được một số dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo giá trị sản xuất và xuất khẩu lớn, dần hình thành một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, góp phần thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng, bổ sung vốn, tăng công suất hoặc đầu tư thêm mới cho thấy môi trường kinh doanh tại các KCN đã thuận lợi hơn.
Song bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như: Công tác giải phóng mặt bằng, lập quy hoạch xin phê duyệt chủ trương đầu tư còn chậm; tình trạng nợ kéo dài của một số doanh nghiệp,… Ban cũng đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh ban hành, thực thi các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển các KCN Phú Thọ được đánh giá, thể hiện ra sao trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thưa ông?
Phú Thọ nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc, tại ngã ba hội tụ 03 sông lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Lô, là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa các khu vực. Tỉnh cũng nằm trên vành đai các tuyến giao thông quan trọng về đường bộ (Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh), đường sắt, đường sông,… có thể kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế lớn Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác. Ngoài ra, địa phương có thể khai thác các lợi thế về giao thông để tham gia vào quá trình lưu thông hàng hóa, gắn hợp tác phát triển thương mại với Trung Quốc và ASEAN,…
Phú Thọ có trữ lượng một số loại khoáng sản, thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng. Tỉnh cũng có diện tích rừng trồng lớn phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ. Đặc biệt Phú Thọ có nguồn nhân lực dồi dào với trên 01 triệu lao động, phần lớn còn trẻ, đã được qua đào tạo.
Phát triển các KCN để tạo quỹ đất sạch, đồng bộ hạ tầng, tăng sức hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là định hướng được xác định trong Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh xác định sẽ phát triển các KCN đồng bộ, hiện đại với quy mô phù hợp theo từng giai đoạn, với quy hoạch sử dụng đất phát triển hạ tầng cơ sở trọng điểm vào khu vực có tiềm năng thu hút đầu tư, nhằm thu hút vốn, công nghệ, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường; gắn sản xuất với thị trường và vùng nguyên liệu.
Dự kiến đến năm 2030, tỉnh quy hoạch phát triển 12 KCN với tổng diện tích 5.095ha, gồm 07 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời hình thành 05 KCN mới. Các KCN đều có lợi thế giao thông.
Doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phú Hà
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, Ban đang xúc tiến đầu tư, chú trọng thu hút đầu tư xanh, bền vững. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và Ban đang phối hợp đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư với những nội dung thiết thực, hoạt động cụ thể, chú trọng thu hút đầu tư xanh, bền vững thông qua những giải pháp cụ thể:
Một là, đổi mới phương thức xúc tiến, mời gọi đầu tư; linh hoạt, tạo mọi thuận lợi cho nhà đầu tư; ưu tiên thu hút dự án sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, khả năng nộp ngân sách và thân thiện với môi trường.
Hai là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành, thị trong bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết tồn đọng của các dự án.
Ba là, thực hiện tốt bảo vệ môi trường, giải quyết thu gom xử lý nước thải, rác thải; thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát chất lượng môi trường; đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn thiết bị nhằm hạn chế tối đa các nguyên nhân gây cháy nổ.
Bốn là, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giúp doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của pháp luật về lao động, đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động và chủ doanh nghiệp; siết chặt quản lý nhà nước về lao động nước ngoài; tích cực phối hợp trong công tác đào tạo, hỗ trợ, giới thiệu cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp.
Năm là, đẩy mạnh cải CCHC gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu quả, hiệu lực, kỷ cương hành chính; luôn đồng hành và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi để các KCN Phú Thọ là điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/10/2024
Khách sạn Công đoàn, 14 Trần Bình Trọng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI